Thứ tư, 06/11/2024 | 15:55 GMT+7
Một hệ thống làm mát thụ động cho bộ vi xử lý máy tính đang được các nhà khoa học tại Đại học Alabama, Mỹ phát triển với tiềm năng tiết kiệm 5,6 tỷ EURO chi phí năng lượng mỗi năm, thay vì vận hành các quạt làm mát bên trong máy tính.
Hệ thống này sử dụng một dung dịch FC-72. Đây là dung dịch đặc biệt có tính cách điện, không màu, không mùi, không bắt lửa, có nhiệt độ sôi là 56 độ và ổn định về tính chất hoá học.
Nhiệt sinh ra từ bộ vi xử lý máy tính sẽ làm bốc hơi dung dịch. Những luồng khí nhẹ và ẩm này sẽ được đưa đến một bộ trao đổi nhiệt và thải nhiệt ra không khí. Trong khi phần hơi nước còn lại sẽ ngưng tụ thành dung dịch đặc như ban đầu, sau đó được đưa về vị trí cũ để thực hiện một chu trình làm mát mới.
Trong một số thử nghiệm đã được tiến hành, công nghệ làm mát bằng dung dịch FC-72 đem lại hiệu quả cao hơn nhiều so với công nghệ quạt không khí thông thường. Hệ thống này cũng vận hành ổn định hơn với thời gian lên đến 12h.
Không chỉ tiết kiệm chi phí năng lượng, công nghệ làm mát bằng dung dịch FC-72 còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế khác. Công nghệ này có thể giúp tiết kiệm 480 triệu EUR nhờ loại bỏ hệ thống quạt làm mát cùng vô số dây nối đi kèm.
Ngoài ra, theo ông James E. Smith Jr., Giáo sư kĩ thuật hoá học ở Đại học Alabama, Mỹ, việc chuyển đổi sang công nghệ này ở phạm vi toàn cầu còn giúp giảm thiểu hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, độ rung, bụi bẩn. Đồng thời, ngăn không cho bụi làm hỏng các linh kiện điện tử.
Thậm chí, ứng dụng của công nghệ này còn có thể còn vượt ra ngoài lĩnh vực máy tính khi đem lại trạng thái ổn định nhiệt độ cho hệ thống hướng dẫn và kiểm soát chuyển động bằng lực đẩy trong vũ trụ. Công nghệ này cũng mở ra tiềm năng xây dựng hệ thống truyền tải điện năng mới trong thế kỷ XXI.
Một điểm đáng chú ý là trong số những nhà khoa học tham gia nghiên cứu này, có sinh viên Nguyễn Cường đến từ Việt Nam. Anh chính là người thực hiện đề tài thạc sỹ kĩ thuật hoá học của mình bằng việc so sánh hiệu quả làm mát thụ động bằng dung dịch FC-72 và làm mát truyền thống bằng quạt trên hai bộ vi xử lý Pentium 4 và iCore 3.
Anh Tuấn (Theo Engineer Journal)