Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:23 GMT+7
Ngành dệt may Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng, khi chiếm đến 14% sản lượng sợi của thế giới và sản xuất 60 tỷ m2 sản phẩm dệt may mỗi năm.
Để đạt được kết quả trên, ngành này đã tiêu thụ gần 66 tỷ kWh nhiệt, tương đương với 1,1 triệu tấn than. Đồng thời, phát thải mỗi năm khoảng 2,3 triệu tấn CO2. Những tác động tiêu cực này, nếu không được giải quyết triệt để, sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho Ấn Độ, kể cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Ấn Độ đang tiến hành nhiều nghiên cứu về tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực dệt may. Một phát hiện đáng chú ý là quá trình sấy khô hoặc làm nóng sơ bộ vải và các vật liệu khác có thể đem lại những tiềm năng tiết kiệm năng lượng vô cùng lớn.
Từ nhiều năm trước, một công ty của Đức đã thực hiện một dự án thử nghiệm công nghệ thu hồi nhiệt tại một số công ty dệt may Ấn Độ. Với sự tham gia của Bộ Môi trường và Bảo vệ thiên nhiên Đức và Công ty Phát triển và Đầu tư Đức, dự án này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các công ty Ấn Độ về trách nhiệm bảo tồn năng lượng, bảo vệ môi trường, đào tạo đỗi ngũ nhân viên có trình độ và truyền bá công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng tại các nước đang phát triển mới nổi.
Trong khuôn khổ dự án này, công ty đã chế tạo ra loại máy thu hồi nhiệt di động để cài đặt cho công ty dệt Arvind tại Ahmedabad. Thiết bị bao gồm hệ thống thu hồi nhiệt Eco-air tương thích với hầu hết các loại máy sấy và công nghệ luân chuyển không khí Split-flow có khả năng tự điều hướng không khí nóng đến đúng vị trí cần thiết trong hệ thống.
Sau vài tuần hoạt động, loại máy này đã thu được hiệu quả năng lượng lên đến 35% so với trước đây. Tiếp nối thành công của Arvind, 9 công ty dệt may khác của Ấn Độ cũng đã bắt đầu lựa chọn sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt để tối ưu hoá tiềm năng sản xuất.
Nếu công nghệ hiệu quả năng lượng này tiếp tục được ứng dụng rộng rãi, lợi ích thu được đối với ngành dệt may Ấn Độ sẽ không chỉ dừng lại ở hàng tỷ đô la chi phí điện năng tiết kiệm được, mà còn bao gồm cả những tác động tích cực đối với môi trường khi giảm thiểu hàng triệu tấn CO2 phát thải.
Anh Tuấn (Theo Textile Today)