Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:47 GMT+7

Học sinh chế sạc điện thoại từ năng lượng mặt trời

25/02/2015

Từ một tấm pin mặt trời mỏng, nhỏ như cuốn sổ tay mà người dùng có thể sạc cùng lúc nhiều điện thoại ở những nơi không có điện, tiết kiệm thời gian.

Từ một tấm pin mặt trời mỏng, nhỏ như cuốn sổ tay mà người dùng có thể sạc cùng lúc nhiều điện thoại ở những nơi không có điện, tiết kiệm thời gian.

Ý tưởng này đã được hai bạn Đoàn Trần Viên và Nguyễn Thủy Tiên (học sinh lớp 11A4 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đà Nẵng) biến thành hiện thực với sản phẩm “Sử dụng pin mặt trời để sạc pin điện thoại di động” vừa giành giải Nhất tại Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp TP. Đà Nẵng.

Hai bạn Đoàn Trần Viên và Nguyễn Thủy Tiên thử nghiệm sản phẩm sạc pin điện thoại bằng năng lượng mặt trời

Sạc cùng lúc 10 điện thoại

Nhờ những kiến thức lý thuyết vật lý đã được học, Viên và Tiên đã tự mày mò tìm các clip chuyên giới thiệu các sáng chế vật dụng dùng năng lượng mặt trời trên mạng để bắt tay thực hiện đề tài.

Tìm hiểu xong, cả hai tiếp tục lùng sục những trang mạng uy tín ở Singapore chuyên bán pin năng lượng mặt trời, sau đó nhờ người mua trực tuyến.

“Đặt mua cả tháng pin mới về tới Việt Nam. Mỗi tấm sạc hoàn thành được kết nối lại với nhau bằng 10 pin nhỏ, giá 1,5 USD/pin. Tuy nhiên, khi sản phẩm hoàn thiện có thể sạc cùng lúc 10 điện thoại với thời gian khá nhanh, khoảng 1,5 - 2 giờ” - Viên hồ hởi.

Khi kết nối thành công các mảng pin nhỏ, hai bạn lại cất công đến các cửa hàng điện tử tìm mua các loại dây sạc khác nhau để ráp vào thử. Và như thế nhiều điện thoại khác nhau cũng có thể sạc pin cùng lúc. Nhiều bạn trong lớp khi được sử dụng thử nghiệm trước khi đưa sản phẩm đi dự thi đều khá bất ngờ.

“Với thời tiết nắng nóng như miền Trung thì chuyện sạc pin điện thoại bằng năng lượng rất nhanh ở mọi lúc mọi nơi. Chưa kể đi du lịch ở vùng núi hay hải đảo hoặc nơi không có điện cũng có thể sạc được thì rất tiện dụng”, một thành viên lớp 11A4 nói.

Lắm lúc tưởng chừng phải bỏ dở “đứa con tinh thần” khi những tấm pin mặt trời lần lượt bị hư, vỡ nên cả hai khá thất vọng. Những lúc như thế thầy cô đã được “huy động” vào cuộc để trợ giúp.

Ngoài thay đổi cách móc nối pin sao cho chi tiết, công phu thì chuyện sơ chế pin như thế nào để tạo ra công suất cao đã được thực hiện khá tỉ mỉ. Trước khi đưa dự thi, từ sản phẩm còn khá cồng kềnh đã được cả hai trau chuốt, thiết kế lại để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Tấm pin dùng năng lượng mặt trời để sạc pin điện thoại đến ngày nộp cho ban tổ chức cuộc thi nhìn nhỏ như cuốn sổ tay và mỏng chưa đầy 0,5 cm có thể bỏ gọn gàng trong túi xách.

Thay thế nhiều sản phẩm Trung Quốc

Ngoài tính tiện lợi, nhỏ gọn và hướng đến đối tượng thu nhập bình dân thì sản phẩm lại tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên mới, sạch.

Bên cạnh đó, ý tưởng ra đời của sản phẩm này cũng xuất phát một phần do trên thị trường hiện nay có khá nhiều pin dùng năng lượng mặt trời để sạc pin điện thoại di động nhưng hầu hết là hàng Trung Quốc, giá đắt đỏ lại mau hư hỏng.

“Tụi em tham khảo ở thị trường có khá nhiều hàng tương tự nhưng toàn xuất xứ từ nhiều nơi của Trung Quốc, giá lại cao ngất ngưởng nên không an tâm. Hi vọng sản phẩm “made in Việt Nam” có tính tiện dụng này ra đời, giá rẻ hơn lại đảm bảo sẽ giúp người Việt mình yên tâm sử dụng”, Tiên tâm sự.

Cũng theo Tiên, sản phẩm có thể thay thế sạc pin dự phòng mà nhiều người sử dụng smartphone đang dùng.

“Sạc pin điện thoại dự phòng phải mất một lần sạc gián tiếp từ nguồn điện, nhưng với sản phẩm này thì sạc luôn trực tiếp nhờ ánh nắng mặt trời, tuổi thọ sử dụng lên đến 10 năm”, Tiên nhấn mạnh.

Cô Lê Phạm Liên Chi, giáo viên chủ nhiệm của Viên và Tiên - người đã theo suốt cả hành trình sáng chế của hai bạn - vui sướng cho biết, cô rất hài lòng với ý tưởng này bởi hướng đến nguồn năng lượng sạch.

Trong khi đó, theo ông Phạm Phú Thanh Sơn, Phó trưởng phòng tiết kiệm năng lượng (Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng), thành viên ban giám khảo Hội thi khoa học kỹ thuật cấp TP Đà Nẵng năm học 2014-2015, đây là đề tài có tính cơ động, hiệu quả và thẩm mỹ cao.

Ngoài ra, sản phẩm của hai em thiết kế đạt yêu cầu cơ bản thiết bị đầu ra. “Nếu được đầu tư, sản phẩm này sẽ có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trên thị trường”, ông Sơn nhận xét.

Đây là một trong bốn sản phẩm được Sở GD - ĐT TP Đà Nẵng chọn đưa đi tham dự hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức vào tháng 3 sắp tới tại Đồng Tháp.

Theo Báo Tuổi trẻ