Chủ nhật, 22/12/2024 | 19:27 GMT+7

Máy rửa bát bằng năng lượng mặt trời của thầy giáo Tây Nguyên

06/12/2014

Thấy máy rửa bát đĩa trên thị trường chủ yếu là hàng nhập khẩu, giá cao, thầy giáo Trần Đình Huân ở Kontum bèn chế ra chiếc máy rửa bát sử dụng nước đun nóng bằng năng lượng mặt trời.

Thấy máy rửa bát đĩa trên thị trường chủ yếu là hàng nhập khẩu, giá cao, thầy giáo Trần Đình Huân ở Kontum bèn chế ra chiếc máy rửa bát sử dụng nước đun nóng bằng năng lượng mặt trời.
Tác phẩm của thầy giáo Huân lọt vào top 15 giải pháp kỹ thuật vào vòng thi chung khảo cuộc thi Sáng chế 2014. Thầy Huân chia sẻ: "Rửa bát là công việc khiến nhiều bà nội trợ ngại ngần. Việt Nam là nước nhiệt đới, nguồn năng lượng mặt trời nhiều, thích hợp cho chiếc máy hoạt động dựa vào nguồn năng lượng này".
f10a880c3_picture130781417754380.jpg
Chiếc máy rửa bát có kích thích tương đương với một chiếc máy giặt. 

Cấu tạo của máy gồm 4 bộ phận chính: hệ thống bình chứa nước nóng chạy bằng năng lượng mặt trời; vòi dẫn nước nóng có van đóng mở tự động, đồng hồ hẹn giờ và vòi phun;  trục máy, giá để bát đĩa; khung thân, vỏ máy.

Thầy Huân cho biết, chiếc máy hoạt động trên nguyên lý dùng sức đẩy của nguồn nước nóng như tuabin trong động cơ. Bát đĩa khi xếp vào giá quay trong máy, được tia nước với áp lực cao phun vào đúng vị trí. Nước nóng làm tan dầu mỡ và thức ăn bám vào, không cần sử dụng điện. Vì chiếc máy hoạt động dựa trên sức đẩy của nước nên trong trường hợp không có nước nóng, các bà nội trợ vẫn có thể sử dụng nguồn nước nhiệt độ bình thường cùng với nước tẩy rửa để làm sạch bát đũa.

Kích thước máy rửa bát tương đương một chiếc máy giặt, vận hành hoàn toàn tự động theo chế độ hẹn giờ, từ 15 đến 20 phút cho mỗi lần rửa bát. Mỗi lần sử dụng, người dùng phải tráng thức ăn thừa trước khi xếp bát đĩa vào khung. Công suất tối đa cho một lần rửa là 30 chiếc bát đĩa cùng các dụng cụ khác như muôi, đũa và tiêu tốn 40 đến 50 lít nước cho mỗi lần rửa.

Máy có nắp mở phía trên, giá để bát đĩa được thiết kế theo đúng từng loại, không bị che khuất nên được rửa sạch một cách dễ dàng và rửa được nhiều dụng cụ.

b3559a2a6_dsc0533232561417754380.jpg
Nhà sáng chế Trần Đình Huân cùng chiếc máy rửa bát bằng năng lượng mặt trời. Hiện nay, thầy Huân đang là Trưởng phòng giáo dục huyện Sa Thầy (Kon Tum). 

Sáng chế này được ban tổ chức cuộc thi đánh giá là xuất phát từ nhu cầu thực tế, không bỏ ra quá nhiều vốn nhưng được ứng dụng tại nhiều hộ gia đình ở các địa phương khác nhau. Với giá thành không quá cao, chiếc máy rửa bát của thầy Huân được nhiều gia đình từ Kon Tum đến TP Hồ Chí Minh sử dụng. Chiếc máy đang được tiếp tục hoàn thiện về kiểu dáng để đưa vào sản xuất hàng loạt.

Dù bận rộn với công tác quản lý giáo dục, thầy Huân vẫn rất ham mê sáng chế. Trước đó, thầy Huân từng chế bơm nước sử dụng sức nước, được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế và được Hội liên hiệp khoa học Việt Nam cấp bằng sáng tạo điển hình khoa học Việt Nam. Ngoài chiếc máy rửa bát, thầy còn sáng chế Hệ thống tự động cung cấp chất tẩy rửa cho máy rửa chén và máy giặt.

"Từ bác nông dân đến thầy giáo, bất kỳ ai cũng có thể làm nhà sáng chế nếu sản phẩm làm ra giúp ích cho cuộc sống", thầy Huân chia sẻ.

Theo Vnexpress