Cho dù đã ra đời từ lâu, nhưng động cơ đốt trong sẽ còn vai trò nhất định trong ngành công nghiệp ô tô trong tương lai và công nghệ này đang ngày càng được cải thiện hơi, chẳng hạn các hệ thống siêu nạp và tăng áp giúp tối ưu hóa hiệu suất động cơ và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Một hướng nghiên cứu hoàn thiện khác để sử dụng tối đa nguồn năng lượng dư thừa, để tận dụng một phần trong khoảng 20% năng lượng mất đi từ khí nóng sau khi đốt trong động cơ thải ra môi trường. Đó là công nghệ tuabin kết hợp (Turbo Compounding). Cũng giống như hệ thống tăng áp, turbo compounding cũng tận dụng nhiệt lượng khí thải thoát ra từ động cơ và tái tạo lại thành một phần động lượng.
Công nghệ turbo compounding có thể hoạt động độc lập hoặc chung với hệ thống tăng áp. Tuy nhiên, thay vì để làm quay bộ nén khí như trên hệ thống tăng áp, turbo compounding sẽ có một bộ chuyển đổi để chuyển trực tiếp nhiệt lượng thành động lượng và bổ sung vào công suất tổng của xe.
Trước đây, động cơ Wright R-3350 trên máy bay Douglas DC-7 cũng sử dụng hệ thống turbo compounding 3 tuabin có thể tái sử dụng được 20% lượng khí thải. Thậm chí hiện nay các xe đầu kéo của Freightliner cũng đang sử dụng động cơ Detroit DD15TC ứng dụng công nghệ tuabin kết hợp.
Công nghệ này có thể sử dụng theo phương án dẫn động máy phát điện. Nó sẽ chuyển nhiệt lượng thành năng lượng điện để ứng dụng trên các xe lai hybrid. Phương án này đã được áp dụng trên các xe đua F1 dưới tên gọi hệ thống tái tạo động năng. Khí thải nóng sẽ trực tiếp làm quay tuabin máy phát điện. Năng lượng điện sẽ được lưu trữ trong bộ pin hay truyền thẳng vào hệ truyền động để phối hợp cùng động cơ đốt trong. Trong trường hợp áp dụng trên những xe hơi thông thường, thì công nghệ tuabin kết hợp có thể đóng vai trò như một máy phát độc lập cung cấp điện cho cả xe mà không cần phải lấy năng lượng thông qua động cơ.
Theo Gizmag