Thứ năm, 07/11/2024 | 09:50 GMT+7

Hệ thống phát điện kết hợp năng lượng tái tạo: Giải pháp triển khai hiệu quả

23/09/2014

Mặc dù đã có nhiều dự án ứng dụng hệ thống kết hợp các dạng năng lượng tái tạo cấp điện cho cụm dân cư ngoài lưới điện quốc gia, nhưng chưa có đề án nào tổng kết, đánh giá tính phù hợp việc ứng dụng các hệ thống kết hợp này đối với từng vùng ở Việt Nam.

Kỹ sư Phạm Hồng Vân- nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu năng lượng, Bộ Công Thương- là tác giả của đề tài nghiên cứu, điều tra, khảo sát và đánh giá các hệ thống phát điện kết hợp các dạng năng lượng tái tạo cho cụm dân cư ở vùng ngoài lưới điện quốc gia.

Mặc dù đã có nhiều dự án ứng dụng hệ thống kết hợp các dạng năng lượng tái tạo (NLTT) cấp điện cho cụm dân cư ngoài lưới điện quốc gia, nhưng chưa có đề án nào tổng kết, đánh giá tính phù hợp việc ứng dụng các hệ thống kết hợp này đối với từng vùng ở Việt Nam. Vì vậy, cần thiết phải thực hiện điều tra, khảo sát và đánh giá các hệ thống kết hợp NLTT đã áp dụng ở Việt Nam trong thời gian qua.

Khảo sát của kỹ sư Phạm Hồng Vân cho thấy, hầu hết là các dự án tài trợ, một số dự án có nguồn đối ứng của địa phương với tỷ lệ dưới 20%; các dự án không có nguồn kinh phí để vận hành bảo dưỡng, không có cán bộ kỹ thuật được đào tạo theo dõi dự án; cán bộ quản lý, vận hành và bảo dưỡng chỉ được đào tạo trong thời gian ngắn để biết cách đóng, mở hệ thống, không được hưởng lương; không có vật tư, phụ kiện sửa chữa, dụng cụ để phục vụ cho công việc thay thế và khắc phục các lỗi nhỏ. 

dc9009202_trien_khai.jpg

Hầu hết các hệ thống được tính toán thiết kế có quy mô công suất không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của các hộ tiêu thụ. Một số dự án khi thiết kế, lựa chọn thiết bị chưa đồng bộ, chưa phù hợp, độ tin cậy không cao hoặc chưa đủ các thiết bị phụ trợ bảo vệ, dẫn đến tính ổn định của hệ thống không đảm bảo. Một số dự án khi thiết kế đều có nguồn máy phát diesel dự phòng, nhưng khi các nguồn NLTT có sự cố không phát điện thì nguồn diesel cũng không chạy để bù sự thiếu hụt vì không có kinh phí mua nhiên liệu dầu diesel. 

Các dự án đều không thu tiền điện của các hộ tiêu thụ, các máy phát diesel có đầu tư nhưng lại để không sử dụng vận hành, rất lãng phí. Một số dự án lựa chọn địa điểm mà chỉ 2- 3 năm sau điện lưới đã kéo đến, gây lãng phí. Đơn vị xây dựng và phát triển dự án không có trách nhiệm sau khi dự án đi vào hoạt động và sự làm ngơ của chính quyền địa phương…

Kết quả nghiên cứu điều tra, khảo sát và đánh giá đã xác định được các nguyên nhân khiến hoạt động không bền vững của các dự án cấp điện bằng các nguồn NLTT ứng dụng ở Việt Nam. Từ đó xác định được các yếu tố quan trọng để áp dụng thành công hệ thống kết hợp ở các khu vực không thể kéo lưới điện ở nước ta, đó là các vấn đề về tổ chức với quyết định lựa chọn mô hình tổ chức quản lý vận hành phù hợp và thực hiện các chương trình bảo dưỡng bền vững; các vấn đề về tài chính, khả năng chi trả cho các dịch vụ điện, thực hiện một hệ thống biểu giá phù hợp; đánh giá nhu cầu điện hiện nay, dự báo tương lai; khả năng đáp ứng nhu cầu với tiềm năng của các nguồn NLTT để thiết kế hệ thống cấp điện thích hợp…

Trên cơ sở nghiên cứu đó, chúng ta cần nhìn nhận lại phương thức triển khai ứng dụng hệ thống kết hợp các dạng NLTT cấp điện cho cụm dân cư ngoài lưới điện quốc gia. Cần nghiên cứu điều tra kỹ lưỡng để đưa ra các giải pháp đúng như: Lựa chọn cấu hình phát điện, mô hình quản lý vận hành bảo dưỡng, xây dựng năng lực, vấn đề tài chính, kỹ thuật, nhận thức của người thực hiện quản lý dự án và người hưởng lợi từ dự án...

Theo Báo Công Thương