Thứ năm, 26/12/2024 | 20:10 GMT+7
Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Công nghệ Mara (Malaysia) do GS. Mohamad Asadullah đứng đầu đang nghiên cứu một dự án sản xuất khí đốt sạch cho các nhà máy nhiệt điện từ nhiên liệu sinh khối.
Quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên là nguyên nhân tạo ra một lượng lớn khí CO2 - khí thải nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đồng thời, nó cũng thải ra môi trường nhiều chất độc hại khác như tro, bụi than, khí thải có tính axit… Bởi vậy, việc tìm ra một nguồn nguyên liệu tái tạo thay thế bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường là rất quan trọng.
Cọ là một trong những nhiên liệu sinh khối phổ biến tại Malaysia
Nghiên cứu của nhóm của GS. Mohamad Asadullah đã tìm ra một công nghệ mới có thể sản xuất ra khí đốt sạch từ nhiên liệu sinh khối, chất thải sinh khối và dầu cọ. Điểm đặc biệt là công nghệ này cho phép loại bỏ đồng thời những tạp chất, những chất độc hại sản sinh trong quá trình đốt khí.
Ngoài việc sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, khí đốt này có thể sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong, tua bin và pin nhiên liệu để phát điện.
Tiềm năng thương mại hóa công nghệ này tại Malaysia là rất lớn. Bởi, quốc gia này có nguồn năng lượng sinh khối khá dồi dào, đặc biệt là nguồn sinh khối từ cây cọ, một loại cây trồng rất phổ biến.
Hải Nhy (Theo sciencedaily.com)