Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:05 GMT+7
Theo
dự báo của Bộ Công Thương, trong 5-10 năm tới, Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc
vào lượng giấy nhập khẩu. Hiện Việt Nam sản xuất bột giấy chủ yếu dựa trên công
nghệ hóa học, hiệu suất còn thấp, không những gây ô nhiễm môi trường mà còn làm
tiêu hao lượng lớn tài nguyên như nước, điện, than.
Trong
khi đó, sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học áp dụng công nghệ sản xuất
hoàn toàn mới nên có thể tiết kiệm năng lượng tốt hơn và giảm tiêu hao năng
lượng, quá trình xử lý chất thải, giá thành sản xuất thấp hơn nhiều so với công
nghệ làm bột giấy bằng phương pháp truyền thống.
Sản xuất bột giấy bằng công nghệ sinh học giúp tiết kiệm năng lượng hơn phương pháp truyền thống
Sản
xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học là quá trình sử dụng các loại vi sinh
vật để xử lý nguyên liệu thực vật, phân hủy lignin, các chất vô cơ để thu được
xơ sợi xenlulo. Từ những năm 50 của thế kỷ trước các nhà khoa học trên thế giới
đã có nghiên cứu và cho rằng các loại nấm mục trắng có khả năng phân hủy lignin
có thể sử dụng để loại lignin, hemixenlulo từ thành tế bào gỗ giải phóng
xenlulo…
Theo
các chuyên gia, sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học có lợi cả về kinh
tế và môi trường. Tuy nhiên, sản xuất bột giấy bằng phương pháp sinh học là một
công nghệ khá mới mẻ ở nước ta.
Nhằm
đánh giá khả năng sản xuất bột giấy sinh học của một số chủng enzyme được phân
lập và nuôi cấy trong nước, Công ty TNHH Viện Công nghệ giấy và xenlulo (Tổng
công ty Giấy Việt Nam) đã tiến hành một số thí nghiệm xử lý nguyên liệu bằng
chế phẩm enzyme. Nguyên liệu dùng để nghiên cứu là bột giấy hóa - cơ chưa tẩy
trắng từ gỗ keo lai được sản xuất tại xưởng thực nghiệm của công ty và rơm rạ,
lúa nếp thu hoạch vào vụ mùa năm 2013.
Qua
một thời gian thử nghiệm đã thu được kết quả khả quan cho việc ứng dụng công
nghệ sinh học để sản xuất bột giấy, đặc biệt là từ nguyên liệu phi gỗ. Nếu
ngành sản xuất bột giấy Việt Nam ứng dụng được công nghệ sinh học thì sẽ
mang lại lợi ích lớn về cả kinh tế và môi trường, góp phần phát triển công nghệ
“xanh” tại Việt Nam.
Theo baocongthuong.com.vn