Thứ năm, 07/11/2024 | 17:40 GMT+7
Năm 2001, mô hình lò đốt rác thải y tế do ông Nguyễn Nam Quân, thôn Tân Văn 3, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang sáng chế từng đoạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ IV. Ông Quân cũng nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội chợ Công nghệ và Thiết bị quốc tế Việt Nam 2012.
Thiết bị này được đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo, nên lò đốt của ông Quân được lắp đặt ở một số nơi. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành vẫn còn nhược điểm như: tắc nghẽn, đốt rác không triệt để.
Xuất phát từ thực tế trên, đầu năm nay, các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang) đã nghiên cứu cải tiến và lắp đặt lò tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên. Buồng đốt được thiết kế gồm tầng sấy rác, tầng cháy, tầng thải xỉ… Nhờ đó đã khắc phục hiện tượng tắc nghẽn trong quá trình vận hành, đồng thời cũng nhờ có tầng sấy nên đốt được rác có độ ẩm cao. Khí sinh ra ở buồng đốt được dẫn sang ngăn chứa khói cao 2,2 m, rộng 1,5m.
Lò đốt này đang được sử dụng rất hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên, Bắc Giang
Lượng khói này được dẫn vào hộp lọc khói chứa vật liệu lọc rồi từ đây, khói được đưa vào ống khói cao 5,5m phía trên có mái che. Ưu điểm nổi bật của lò đốt này là không sử dụng nhiên liệu điện, khí gas hay xăng dầu để mồi đốt hay duy trì trong quá trình vận hành mà chỉ sử dụng chính rác thải khô.
Kỹ sư Nguyễn Duy Nhất, cán bộ Trung tâm cho biết: "Công nghệ lò đốt dựa trên cơ sở đối lưu tự nhiên của dòng vật chất do sự chênh lệch nhiệt độ tạo ra. Để tạo ra sự đối lưu mạnh trong lò, chúng tôi thiết kế các cửa cấp gió đặt ở buồng đốt trên sườn lò, rất an toàn, không có tia lửa hay ngọn lửa trong buồng đốt phóng ra ngoài gây nguy hiểm cho người vận hành cũng như những người đang làm việc quanh lò”.
Theo kỹ sư Nhất, hoạt động trong lò được duy trì bằng nhiệt bức xạ phát sinh từ phản ứng hóa học phân hủy rác mà không cần đến bất kỳ nguồn năng lượng nào từ bên ngoài. Công suất đốt 3-4 tạ rác/lần. Lò có thể đốt đồng thời nhiều loại rác thải, góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm bởi giảm lượng rác phải chôn lấp. Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, khí thải ra môi trường từ lò đốt đều ở dưới ngưỡng cho phép về hàm lượng chất độc hại theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tân Yên cho biết: "Hệ thống xử lý rác thải trước đây của đơn vị cần hai nhân viên trực thường xuyên trong quá trình vận hành. Việc sửa chữa mỗi khi hỏng hóc rất khó khăn và tốn kém. Có lò đốt rác mới, bệnh viện sẽ tiết kiệm được gần 100 triệu đồng mỗi năm bởi không phải mua dầu. Mặt khác, việc vận hành lò đơn giản, đỡ vất vả cho người làm công tác vệ sinh tại bệnh viện - lợi cả đôi đường”.
Hải Yến (Theo Báo Bắc Giang)