Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:02 GMT+7

Tái chế vật liệu giá trị được sử dụng trong tivi, pin ô tô và pin điện thoại

08/11/2013

các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển được một phương pháp mới để tái chế các nguyên tố đất hiếm dùng trong pin ô tô hybrid, tivi màn hình phẳng để tái chế chúng từ nước thải.

Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí ACS Applied Materials & Interfaces, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển được một phương pháp mới để tái chế các nguyên tố đất hiếm dùng trong pin ô tô hybrid, tivi màn hình phẳng để tái chế chúng từ nước thải. Qui trình này có thể giúp giảm áp lực kinh tế và môi trường mà ngành công nghiệp đất hiếm đang phải đối mặt.

cb29ba246_dung_13.jpg
 
Các nhà khoa học nhấn mạnh, các nguyên tố đất hiếm như terbi, kim loại màu trắng bạc có thể cắt bằng dao, họat động theo cách giống như siêu nam châm, chất xúc tác hoặc chất siêu dẫn. Điều đó khiến chúng không thể thay thế trong nhiều thiết bị công nghệ và máy móc hiện nay. Các chuyên gia dự báo thị trường cho rằng nhu cầu toàn cầu sẽ tăng lên ít nhất 185.000 tấn vào năm 2015. Mặc dù một số nguyên tố đất hiếm này thực sự dồi dào, nhưng số khác lại khan hiếm.
 
Theo các báo cáo, các nguồn cung cấp terbi và dyprosi sẽ chỉ đủ cho 30 năm nữa. Đến nay, chi phí tái chế các nguyên tố đất hiếm này từ nước thải công nghiệp tốn kém hoặc không thực tế. Thách thức lớn là các nguyên tố này thường hòa tan trong nước thải.
 
Nhóm nghiên cứu đã biết đến một vật liệu nano gọi là nano-magie hydroxide hay nano-Mg(OH)2, có hiệu quả khử một số kim loại và thuốc nhuộm khỏi nước thải. Do đó, họ bắt đầu tìm hiều về họat động của hợp chất này và khả năng loại bỏ các nguyên tố đất hiếm hòa tan.
 
Để thử nghiệm ý tưởng, các nhà khoa học đã chế tạo những hạt nano-Mg(OH)2 giá rẻ có hình dạng giống như những bông hoa khi quan sát bằng kính hiển vi công suất cao (high-power microscope). Trong thử nghiệm ban đầu mô phỏng các điều kiện thực tế, nano-Mg(OH)2 đã loại bỏ hơn 85% nguyên tố đất hiếm hoàn tan trong nước thải. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tái chế các nguyên tố đất hiếm từ nước thải không chỉ tiết kiệm tài nguyên đất hiếm và bảo vệ môi trường, mà còn mang lại những lợi ích kinh tế to lớn.
 
Theo Escience