Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ đang nghiên cứu sản xuất năng lượng từ nhiệt mà không cần sử dụng ánh nắng mặt trời.
Mặc dù nguyên lý không phải là mới, nhưng việc thiết kế bề mặt vật liệu để chuyển đổi nhiệt thành ánh sáng có độ dài bước sóng đặc trưng phù hợp với độ dài bước sóng tại đó pin mặt trời có thể chuyển đổi thành điện năng hiệu quả nhất khiến cho hệ thống mới ưu việt hơn các hệ thống cũ. Điểm mấu chốt tạo sự phát xạ phù hợp này nằm ở vật liệu có hàng tỷ lỗ kích thước nano khắc trên bề mặt.
Khi vật liệu hấp thụ nhiệt hoặc từ mặt trời, một nhiên liệu hydro các bon, một chất đồng vị phóng xạ phân rã hay bất cứ một nguồn nào khác, thì bề mặt có lỗ phản xạ năng lượng chủ yếu tại các độ dài bước sóng đã được lựa chọn kỹ lưỡng.
Dựa vào công nghệ đó, các nhà nghiên cứu tại MIT đã chế tạo máy phát điện kích thước bằng cúc áo được cung cấp nhiên liệu bởi butan, có thể chạy thời gian dài hơn 3 lần so với pin ion lithi có cùng trọng lượng; sau đó, thiết bị được sạc lại ngay lập tức chỉ bằng cách tiếp xúc với hộp nhỏ nhiên liệu mới.
Ivan Celanovic, kỹ sư nghiên cứu tại MIT cho rằng khả năng chuyển đổi nhiệt từ các nguồn khác nhau thành điện mà không cần các chi tiết động sẽ mang lại lợi ích to lớn đặc biệt nếu quá trình này được thực hiện với chi phí tương đối thấp và trên quy mô nhỏ.
Theo Cục thông tin năng lượng Hoa Kỳ, 92% tổng số năng lượng mà nước này sử dụng có liên quan đến chuyển đổi nhiệt thành cơ năng và sau đó thành điện năng như sử dụng nhiên liệu để đun sôi nước làm quay tua bin gắn với máy phát điện. Các hệ thống cơ khí hiện nay có hiệu suất tương đối thấp và không thể thu nhỏ bằng kích thước cần cho các thiết bị như các cảm biến, điện thoại thông minh hoặc thiết bị quan trắc trong y học.
Theo Timesofindia.indiatimes.com