Các kỹ sư trường Đại học Princeton đã sáng chế ra một loại pin năng lượng tái tạo từ cao su, giúp tạo ra điện cho máy điều hòa nhịp tim, điện thoại đi động và các thiết bị điện tử khác.
Vật liệu, gồm các dải gốm nano đặt trong tấm cao su silicon, tạo ra điện khi bị uốn cong lại, giúp chuyển đổi năng lượng cơ học thành điện năng. Trong tương lai, nếu sử dụng giầy dép được làm từ loại vật liệu này khi đi bộ hoặc chạy thể dục có thể tạo ra điện năng cho các thiết bị di động. Dùng trong điều trị các bệnh về phổi, các tấm cao su silicon sẽ thay thế các thiết bị phẫu thuật chạy pin vì chính hơi thở của người bệnh làm hoạt động máy điều hòa nhịp tim.
Nhóm nghiên cứu Princeton là những người đầu tiên thành công trong việc kết hợp silicon và các màng mỏng PZT (zirconate titanate) - vật liệu gốm tạo ra điện áp khi có lực tác động lên. PZT là vật liệu tốt nhất trong tất cả các loại vật liệu chế tạo điện áp, có thể chuyển đổi 80% năng lượng cơ học thành điện năng.
Trước tiên, nhóm nghiên cứu tạo ra các dải PZT nano hẹp để cho vừa với khỏang không gian trong 1mm, sau đó đính vào các tấm cao su silicon, tạo thành vật liệu được gọi là “Piezo - chip cao su”. Silicon là vật liệu sinh học rất thích hợp trong phẫu thuật thẩm mỹ và chế tạo các thiết bị y tế. Các thiết bị điện mới được làm từ vật liệu này có thể được cấy ghép vào cơ thể người bệnh, tồn tại vĩnh viễn không bị đào thải, giúp các thiết bị y tế hoạt động mà không cần dùng bất cứ nguồn năng lượng nào khác.
Khả năng phát sinh dòng điện khi bị uốn cong của vật liệu còn có thể được ứng dụng cho các thiết bị khác như thiết bị siêu vi phẫu.
Theo Science