Nga sẽ bắt đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới trong 3 năm tới nhằm cung cấp điện năng, nhiệt năng và nước ngọt cho những vùng đất xa xôi hẻo lánh nhất xứ sở Bạch Dương.
Một con tàu được chế tạo đặc biệt sẽ là nơi lắp đặt nhà máy điện hạt nhân nổi, tạo ra cuộc cách mạng cho những khu vực hẻo lánh khó tiếp cận của quốc gia rộng lớn nhất thế giới. Giám đốc công ty đóng tàu hùng mạnh nhất nước Nga, nhà máy Baltic thông báo, dự án này sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2016 tại triểm lãm Hải quân Quốc tế lần thứ 6 được tổ chức tại St Petersburg.
Dựng hình nhà máy điện hạt nhân nổi của Nga.
Con tàu mang tên Akademik Lomonosov, được thiết kế để cung cấp năng lượng cho các khu công nghiệp lớn, duy trì hoạt động của các thành phố cảng hay cung cấp điện năng cho các giàn khoan dầu khổng lồ nằm ở những vùng biển xa xôi hẻo lánh.
Về thiết kế, khả năng phát điện của con tàu được dựa trên nguyên lý hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân trang bị trên các tàu phá băng của Nga từng hoạt động hiệu quả trong hơn nửa thế kỷ qua. Tàu Akademik Lomonosov, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên sẽ sở hữu độ choán nước 21.500 tấn và thủy thủ đoàn 69 người.
Tuy nhiên, do được chế tạo để làm nhà máy điện hạt nhân nổi, Akademik Lomonosov hoàn toàn không có hệ thống động cơ đẩy như các tàu bình thường. Con tàu cùng toàn bộ thiết bị sẽ được kéo tới vị trí cần thiết trước khi hệ thống mỏ neo giúp nó cố định.
Không chỉ cung cấp điện, các nhà máy loại này còn có thể cung cấp nhiệt và nước ngọt cho thành phố 200.000 dân.
Sở hữu hai phiên bản biến đổi của lò phản ứng hạt nhân KLT-40, nhà máy điện hạt nhân nổi có khả năng cung cấp đủ năng lượng cho thành phố 200.000 dân. Các lò phản ứng cũng sẽ tạo ra công suất 70 MW điện hoặc công suất 300 MW nhiệt, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống của con người ở những vùng xa xôi hẻo lánh và khắc nghiệt của nước Nga.
Trong các trường hợp cụ thể, nhà máy sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng để trở thành nhà máy khử muối với công suất không lổ. Nếu được giao nhiệm vụ cung cấp nước ngọt, nhà máy có khả năng tạo ra 240.000 m3 nước/ngày, con số thực sự đáng kinh ngạc.
Trên thực tế, các thành phố lớn của Nga dọc theo bờ biển phía bắc và khu vực phía đông hiện chưa thể tăng trưởng kinh tế như đúng với tiềm năng bởi tình trạng thiếu năng lượng. Khi nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên được đưa vào sử dụng, nó sẽ mở ra cơ hội phát triển to lớn nhằm đánh thức lợi thế ở những khu vực này.
Dễ dàng di chuyển khiến nhà máy điện hạt nhân nổi dễ dàng tiếp cận những khu vực xa xôi hẻo lánh.
Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân nổi có thể được Nga sử dụng cho việc khai thác tài nguyên ở các mỏ khoáng sản cũng như duy trì năng lượng cho các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài. Nhận ra tiềm năng to lớn của nhà máy điện hạt nhân nổi ở Nga, 15 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Indonesia đang rất quan tâm đến công nghệ này.
Theo News.zing.vn