Thứ sáu, 08/11/2024 | 20:49 GMT+7

Nhiên liệu mới từ Plastic và vỏ trấu

12/06/2013

Các nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM vừa chế tạo thành công nhiên liệu từ chất thải plastic và vỏ trấu.

455c23edd_863792_nhienlieu_h3.jpgCác nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM vừa chế tạo thành công nhiên liệu từ chất thải plastic và vỏ trấu. Đây là nhiên liệu không thải ra khí độc hại cho môi trường, hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với củi trấu thông thường.

Chất thải plastic là loại chất thải không thể tái chế được. Nếu chôn xuống đất thì phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được. Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đã bắt đầu chiến dịch nói không với túi nilông, tuy nhiên, đây là vấn đề không thể triển khai dễ dàng ngay được. Vì vậy việc giải quyết vấn đề rác thải plastic đang là một nhu cầu bức thiết của xã hội. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra 6.000 -  6.500 tấn rác. Trong đó, chất thải plastic chiếm từ 2 - 8%, bao gồm các loại túi xốp, bao bì, khay đựng thực phẩm dùng một lần... với một số lượng lớn là không thể tái chế được. Bên cạnh rác thải plastic, trong thời gian qua, nhiều dòng kênh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị tắc nghẽn do trấu. Các cơ sở xay xát không có đủ kho bãi thường tuồn vỏ trấu ra các kênh rạch, sông ngòi. Còn nếu lượng vỏ trấu không tiêu thị được thì phải xử lý với chi phí không nhỏ.

Trước thực trạng đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu để tận dụng được chất thải plastic và vỏ trấu giải quyết vấn nạn môi trường. Theo phương pháp này, chất thải plastic được nén tại áp suất cao hoặc đùn ép tạo thành viên. Cả hai quy trình trên đều đơn giản và dễ ứng dụng vào thực tế. Sản phẩm thu được có nhiều ưu điểm so với vỏ trấu, như dễ vận chuyển, chi phí thấp hơn, ... thích hợp trong công nghiệp như gia nhiệt lò đốt, lò hơi, đốt trong các lò nung xi măng hay sử dụng hiệu quả trong các nhà máy nhiệt điện.

Công ty TNHH Phước Đạt đã đưa vào thử nghiệm sản phẩm trên, cho thấy tiết kiệm được 30% so với củi trấu. Trước đây, xưởng sấy vải của công ty dùng than đá, sau dùng củi trấu. Mỗi giờ làm việc, lò đốt cần khoảng 100-150 kg củi trấu. Cứ 30 phút, công nhân phải mở cửa lò và đưa vào 60 kg củi trấu. Trung bình, mỗi tháng lò đốt sử dụng khoảng 120 - 150 tấn củi trấu. Ngoài ra, củi trấu khó cháy nên gây nhiều bất lợi cho việc giữ nhiệt trong lò.

Không chỉ ích lợi hơn củi trấu thông thường, nhiên liệu mới trên còn có thể thay thế cho than đá dùng trong công nghiệp vì giá trị kinh tế và không sinh ra khí độc hại ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Khoahocphattrien.com.vn