Thứ bảy, 23/11/2024 | 05:25 GMT+7

'Siêu xe' tiết kiệm nhiên liệu

03/11/2012

Vượt qua hàng chục tên tuổi như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh; đội TDU2 của Đại học Thành Đô đã trở thành quán quân của cuộc thi “Lái xe sinh thái, Tiết kiệm nhiên liệu” năm 2012. Đặc biệt, chiếc xe có hình con thoi là điểm nhấn của cuộc thi khi phá kỷ lục của năm cũ.

Vượt qua hàng chục tên tuổi như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh; đội TDU2 của Đại học Thành Đô đã trở thành quán quân của cuộc thi “Lái xe sinh thái, Tiết kiệm nhiên liệu” năm 2012. Đặc biệt, chiếc xe có hình con thoi là điểm nhấn của cuộc thi khi phá kỷ lục của năm cũ.

Chiếc xe đặc biệt

Với thành tích 389,259 km/lít, vượt qua con số của năm 2011 là 355,55 km/lít, TDU2 đã khẳng định dù đến từ một trường không có thế mạnh về kỹ thuật động cơ nhưng đã vượt qua nhiều đối thủ có bề dày thành tích để đứng ở ngôi cao nhất. Đội vô địch Nhóm xe tự chế TDU2 đã đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi “Lái xe sinh thái, Tiết kiệm nhiên liệu” tổ chức tại Nhật Bản vào trung tuần tháng 9 nhưng kết quả chỉ đạt 373,859 km/lít xăng, đứng thứ 11.

Khởi nguồn tại Nhật Bản năm 1981 với hai hình thức tranh tài dành cho dòng xe tự chế (Original Type) và dòng xe thị trường (Market Type), tính đến năm nay, cuộc thi “Lái xe sinh thái, Tiết kiệm nhiên liệu” đã có 32 năm tổ chức với kỷ lục tiêu thụ nhiên liệu đạt 3.644,869km/lít xăng, lập năm 2011. Tại Việt Nam, cuộc thi lần đầu tiên tổ chức vào năm 2010.

7ce88c1eb_sieu_xe_1.jpg

Sáng chế ra những chiếc xe này sẽ là bàn đạp cho phong trào sáng tạo trong giới sinh viên

Đội trưởng đội TDU2 là thầy giáo trẻ kiêm Bí thư Đoàn trường Phạm Trọng Phước cho biết: Gọi là “siêu xe” cho thêm phần thú vị, bởi chiếc xe này có những đặc trưng là sử dụng động cơ Honda Wave 110cc do Honda Việt Nam sản xuất; toàn bộ nội ngoại thất, khung, hệ thống phanh, cân chỉnh đều mua từ chợ trời. Chiếc xe là kết hợp của máy móc hiện đại và những sáng tạo từ những vật liệu giản đơn.

Đây là cuộc thi thách đố các đội dùng 1 lít xăng để chạy một loại xe tự chế với quãng đường xa nhất nên điều quan trọng là phải điều chỉnh bộ chế hòa khí ở chế độ đặc biệt giúp hỗn hợp xăng và không khí được phối trộn hợp lý nhất. Bên cạnh đó, chế tạo khung xe và vỏ xe cực kỳ quan trọng. Các đội đều dùng hình thù con thoi hoặc mỏ vịt để chế tạo khu cầu xe để giảm lực cản của không khí và gió. Đội TDU2 cũng không ngoại lệ. Chiếc xe của đội TDU2 có phần bánh là bánh xe đạp. Theo thầy giáo Phạm Trọng Phước, phần bánh xe rất quan trọng trong quá trình giảm bớt lực ma sát nhưng 3 bánh của chiếc xe chất lượng không tốt nên đây có thể là nhược điểm của đội TDU2. Khi “mang chuông đi đánh xứ người” tại Nhật vào tháng 9 vừa qua, các xe của đội Nhật Bản cũng chỉ có 3 bánh nhưng lốp được chế tạo rất khoa học để chiếc xe chạy bon nhất và không bao giờ bị nổ lốp hoặc xì hơi trong quá trình thi đấu.

Hệ thống phanh, tay ga cũng được điều chỉnh ở mức tối đa để phát huy hết khả năng nhanh nhạy và bén lực cho chiếc xe. Toàn bộ chiếc xe của đội TDU2 nặng khoảng 58kg. Thầy Phạm Trọng Phước cho biết: TDU2 phải chọn một người lái nhẹ cân nhất để điều khiển chiếc xe. Muốn chiếc xe đi được quãng đường dài nhất có thể thì bản thân người lái phải thành thạo, phanh ít, giữ ga vừa phải và khéo léo để chiếc xe tận dụng được lực từ bánh đà. Với tất cả những tính toán chi tiết nhất, đội TDU2 đã đạt đoạn đường 490 km/lít xăng khi chạy thử và vào cuộc thi, do một vài yếu tố khác như thời tiết, khả năng lái nên chỉ đạt con số thấp hơn là 389,259 km/lít.

“Cuộc thi ở Nhật Bản giúp chúng tôi rút ra được bài học: Dù là xe tự chế thì mọi chi tiết lắp ráp phải được tính toán một cách khoa học và hợp lý. Quá trình vận hành xe để đi được quãng đường dài nhất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố kỹ thuật, người lái, điều kiện thời tiết… Và bài học lớn nhất rút ra là khả năng sáng tạo của sinh viên Việt Nam là vô hạn, rất có tiềm năng” - thầy Phạm Trọng Phước chia sẻ.

Những thói quen xấu khi lái xe

Theo thầy Phạm Trọng Phước, với những chiếc xe máy đang lưu hành hiện nay, nếu điều chỉnh bộ chế hòa khí, tác động sâu vào máy thì có thể đi được quãng đường 150 km/lít xăng. Các hãng xe cũng đã tính được điều này nhưng để đảm bảo tuổi thọ cho máy, tính năng an toàn trong quá trình di chuyển, lượng xăng và không khí vẫn phải được phối trộn khoa học. Việc sử dụng ethanol cũng sẽ làm tăng sức mạnh cho động cơ mà tiết kiệm được nhiên liệu, giảm thiểu tác hại môi trường.

b4e6f0b6b_sieu_xe_2.jpg

“Siêu xe” của đội TDU2 trong cuộc thi tại Nhật Bản 2012

Hiện nay, người sử dụng xe máy đang mắc phải nhiều lỗi trong quá trình vận hành chiếc xe khiến nhiên liệu bị tiêu hao nhanh. Đầu tiên phải kể đến thói quen xấu khi đèn đỏ trên 30 giây không tắt máy trong lúc dừng đợi. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì việc tắt máy khi dừng đèn đỏ sẽ giúp người đứng phía sau không bị ảnh hưởng bởi khói nhả ra từ xe phía trước. Đồng thời giúp người lái xe được thư giãn trong mấy chục giây bởi tiếng ồn, khói xe đã được cắt giảm. Thói quen tiếp theo chính là phóng nhanh, phanh gấp. Khi tăng ga, một lượng xăng lớn phải phun vào pít tông để công sinh ra nhiều hơn. Trong khi hỗn hợp xăng, không khí chưa đốt cháy hết đã phải nhả ra cùng với khói xe do người điều khiển xe phanh gấp lại. Như vậy, vô hình chung, hành động tăng ga và phanh gấp của người điều khiển xe làm cho lượng khí có độc thải ra môi trường càng nhiều.

Qua nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, thầy Phạm Trọng Phước còn cho rằng, nếu xe máy không được “chăm sóc sức khỏe định kỳ” sẽ chóng tàn. Theo quy định của nhà sản xuất thì cứ chạy được 3.000 hoặc 4.000km xe phải được bảo dưỡng, đặc biệt là bộ phận máy. Nhưng thói quen của người Việt Nam là chỉ khi nào hỏng mới mang đi sửa, không quan tâm lắm đến bảo dưỡng có tính định kỳ đã làm cho hệ thống máy bị quá tải dẫn đến việc tiêu hao nhiều nhiên liệu, nhả khói đen.

Một quan niệm chưa đúng nữa của người dân khi đổ xăng là khi vào mùa đông sẽ chọn thời điểm buổi sáng sớm để đổ xăng bởi thời điểm đó, nhiệt độ lạnh và thể tích của xăng co lại, người dùng sẽ được lợi. Theo Phó trưởng khoa Công nghệ Kỹ thuật Ôtô (Đại học Thành Đô) Lê Danh Quang thì khi xăng được bơm cho các xe, thể tích của xăng vẫn giữ ổn định bởi xăng đó vẫn nằm sâu dưới hầm chứa. Thời gian xăng đi từ hầm chứa vào bình xăng của xe máy quá ngắn để nó bị tác động bởi không khí lạnh co lại. Bởi vậy, không có chuyện bơm xăng vào thời điểm sáng sớm là có lợi. Nếu người mua xăng đề nghị bơm vào can, bình nhựa và về để bên ngoài môi trường một vài giờ thì có thể nguyên lý co giãn thể tích xăng do nhiệt độ sẽ xảy ra.

Có thể nói, xăng tăng giá có thể vẫn chưa tác động sâu khiến người dân tiết kiệm chi phí nhưng việc lái xe đúng cách, hiểu được nguyên tắc hoạt động của động cơ đốt trong thì sẽ tiết kiệm được xăng. Theo các chuyên gia, người sử dụng xe máy không nên đi sửa chữa, tác động vào máy khiến tuổi thọ máy giảm đi và gây nguy hiểm cho người điều khiển xe như cháy xe, chết máy.

Theo Petrotimes