Công nghệ WCS là công nghệ hiện đại của Mỹ, dùng phương pháp khí hóa chất thải để chuyển đổi thành điện, đạt tiêu chuẩn môi trường của Liên minh Châu Âu và Việt Nam.
Được sự tín nhiệm của nhà cung cấp công nghệ WCS, Doanh nghiệp tư nhân Uyên Nhi (Đồng Nai) đã liên doanh với nhà đầu tư Radiant Growth Investments Limited dự định thành lập công ty liên doanh để xin được thực hiện dự án nhà máy xử lý và tái chế rác tại TP HCM với mục đích thành lập một nhà máy kiểu mẫu cho công nghệ này tại Việt Nam, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của việc xử lý rác tại TP HCM nói riêng và các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung.
Doanh nghiệp tư nhân Uyên Nhi sẽ là doanh nghiệp độc quyền tại Việt Nam trong việc thiết kế, chế tạo và lắp đặt các nhà máy chuyển đổi rác thải đô thị, rác thải công nghiệp và rác thải y tế sử dụng các công nghệ khí hóa tiên tiến của WCS.
Bà Hà Thị Nga - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Uyên Nhi cho biết: Nếu dự án được phê duyệt, Doanh nghiệp Uyên Nhi dự định sẽ liên doanh với nhà đầu tư tài chính thực hiện dự án xây dựng một nhà máy có công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, trong đó xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và 100 tấn/ngày đối với rác công nghiệp, rác thải y tế,… hoặc nhà máy có công suất 250 tấn/ngày, xử lý 200 tấn rác sinh hoạt và 50 tấn rác công nghiệp nguy hại.
Nhà máy chỉ giống như một xưởng sản xuất không tốn nhiều diện tích, dễ dàng sửa chữa và quản lý. Đồng thời, lò đốt có thể xử lý chung các loại rác thải từ rác thải rắn đô thị, công nghiệp, thương mại, y tế, xây dựng, đến rác thải sinh hoạt thông thường, không cần phải phân loại trước khi đưa vào lò đốt. Trong quá trình đốt, phần nhiệt thu được sẽ được tận dụng để phát điện, còn phần tro sau khi đốt sẽ được tận dụng để làm gạch, xi măng.
Hội thảo lần này là hoạt động lấy ý kiến của các sở ban ngành và các bên có liên quan trước khi doanh nghiệp dự định đầu tư trình UBND TP HCM phê duyệt dự án.
Các chuyên gia cho rằng, về mặt công nghệ thì không có gì phải nghi ngờ về khả năng chuyển đổi rác thải thành điện. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên xem xét một số khía cạnh khác liên quan như: Hiệu quả kinh tế của dự án, nguồn rác cung cấp cho nhà máy nếu được phép xây dựng, việc xử lý các khí thải và nước thải khi nhà máy hoạt động... Đồng thời, các nhà đầu tư cũng nên xem xét đến thành phần của rác vì trong rác thải ở Việt Nam thành phần rác hữu cơ nhiều nên khi đốt nhiệt trị thu được không cao.
Theo Petrotimes