Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:52 GMT+7

Triển vọng nhiên liệu sinh học từ dầu phế thải

12/10/2012

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, dầu diesel sinh học (còn gọi là biodiesel) được chế biến từ dầu phế thải có triển vọng phát triển ở Việt Nam, vừa giảm được giá thành dầu diesel sinh học vừa không gây ô nhiễm.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, dầu diesel sinh học (còn gọi là biodiesel) được chế biến từ dầu phế thải có triển vọng phát triển ở Việt Nam, vừa giảm được giá thành dầu diesel sinh học vừa không gây ô nhiễm.

Trong Hội nghị quốc tế Việt Nam - Vương quốc Anh về phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng vào trung tuần tháng 9 vừa qua, bên cạnh việc trình bày những nghiên cứu mới nhất và cơ hội phát triển nguồn năng lượng sạch, một số nhà khoa học đến từ Anh đã đề cập đến chương trình nghiên cứu về khả năng chế biến dầu phế thải từ các nhà hàng, khách sạn thành dầu diesel sinh học (còn gọi là biodiesel) thân thiện với môi trường. Ý kiến này đã nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chiến lược năng lượng sạch Việt Nam.

Triển vọng lớn

Theo nhận định của các chuyên gia năng lượng, biodiesel được sản xuất bằng dầu phế thải là có triển vọng để phát triển, vừa giảm được giá thành dầu diesel sinh học vừa không gây ô nhiễm. Hơn nữa, biodiesel được sản xuất từ dầu rán phế thải có tính ứng dụng vào cuộc sống cao khi dùng để sử dụng cho các phương tiện vận tải để chạy xe buýt, xe tải trọng nặng, tàu thủy...

Trên thực tế, việc nghiên cứu, chế biến dầu diesel sinh học từ nguồn dầu ăn phế thải không phải là mới mẻ gì tại Việt Nam (đã được nghiên cứu từ năm 2000), nhưng đến nay việc triển khai ứng dụng vẫn chưa được rộng rãi.

d0341d94e_hinh_1.jpg

Thử nghiệm máy phát điện chạy biodiesel từ dầu rán phế thải

Nhiều năm trước, một nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Công nghệ Chế biến dầu khí và Trung tâm lọc - hóa dầu thuộc Đại học Bách khoa TP HCM đã từng nghiên cứu thành công việc sản xuất biodiesel từ các nguồn dầu thực vật. Nhằm mục đích giảm chi phí cho quá trình sản xuất biodiesel, các kỹ sư đã thử nghiệm thành công trên nguồn dầu ăn phế thải ra từ các quá trình chế biến thực phẩm. Nghiên cứu này đã tập trung vào phản ứng ester hóa dầu ăn phế thải bằng phương pháp hóa học với sử dụng xúc tác kiềm. Công đoạn bao gồm: tách, rửa glyceryn - sấy - ra biodiesel thành phẩm. Từ lượng dầu đen phế thải đậm đặc, nặng mùi chua đã trở thành dầu vàng như màu nguyên thủy, thoang thoảng mùi cồn nhẹ, mùi chua đã biến mất. Sản phẩm sau tinh chế không còn lẫn metanol, nước, glyxerin hay tạp chất khác. Những tính chất của nhiên liệu biodiesel và hỗn hợp nhiên liệu đã được đánh giá. Kết quả cho thấy biodiesel tổng hợp được thỏa mãn hầu hết các chỉ tiêu chất lượng nhiên liệu theo tiêu chuẩn ASTM.

Các kỹ sư Đại học Bách khoa TP HCM đã nghiên cứu sản xuất thử nghiệm từ khoảng 2 tấn nguyên liệu dầu phế thải đã chế biến ra 1,8 tấn biodiesel.

Nhận định chung cho thấy ở các thành phố lớn có thể sản xuất biodiesel từ dầu ăn phế thải ra hàng năm. Đơn cử như tại TP HCM đã có nguồn dầu phế thải dồi dào, với lượng dầu ăn phế thải ra khoảng 6-7 tấn mỗi ngày, riêng mỗi nhà hàng tại TP HCM trung bình mỗi ngày thải ra 20-30kg dầu ăn nên nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm sản xuất biodiesel là hoàn toàn khả thi. Một số nhà hàng, khách sạn lớn tại TP HCM ủng hộ dự án sản xuất dầu diesel sinh học và sẵn sàng hợp tác thu gom dầu ăn đã qua sử dụng và lượng dầu mỡ tách ra từ nguồn nước thải. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất mì ăn liền, chế biến thực phẩm ở TP HCM cũng sẵn sàng thu gom dầu ăn phế thải để sản xuất biodiesel.

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh cơ sở nghiên cứu của Đại học Bách khoa TP HCM được Sở Khoa học Công nghệ TP HCM hỗ trợ kinh phí nghiên cứu với một xưởng sản xuất thử nghiệm biodiesel từ dầu phế thải (là hệ thống bán tự động do các kỹ sư tự thiết kế) ở quận Thủ Đức (TP HCM) thì vẫn chưa có một nhà máy thực thụ nào ở Việt Nam mạnh dạn đầu tư hệ thống công nghệ chế biến nhằm chuyển đổi dầu phế thải thành dầu diesel sinh học. Được biết xưởng sản xuất thử nghiệm này này đã bán biodiesel thành phẩm từ dầu phế thải cho các xe bồn đến mua, cung cấp cho các cơ sở làm khí đốt, giúp tiết kiệm dầu công nghiệp và điện năng.

Theo Ban Giám đốc Nhà máy ASB biodiesel, Hồng Công, ban đầu, khoảng 25% số nguyên liệu thô sẽ là dầu ăn phế thải, 20% là dầu mỡ bôi trơn động cơ máy móc và mỡ động vật chiếm 15% số nguyên liệu thô, 40% là các axít béo từ cây cọ - một phụ phẩm thu được từ quá trình sản xuất dầu cọ. ASB biodiesel đã thu thập dầu ăn phế thải từ 1.800 nhà hàng tại Hồng Công và trở thành công ty thu thập dầu ăn đã qua sử dụng lớn nhất tại nước này. Dự kiến, nhà máy này sẽ được hoàn thành vào tháng 2/2013 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8/2013 với công suất dự kiến là 100.000 tấn dầu diesel sinh học/năm.

Cần cơ chế hỗ trợ

Một điều nghịch lý ở chỗ, dầu ăn sau khi sử dụng ở nước ngoài gần như là bỏ đi nên việc thu gom để chế biến biodiesel là điều dễ dàng. Thế nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, dầu ăn phế thải vẫn được tái sử dụng cho những mục đích kinh doanh khác bất chấp chất lượng không đảm bảo, độc hại, chế biến thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thông thường với số lượng lớn dầu phế thải như ở TP HCM mà giới báo chí và cảnh sát môi trường từng vào cuộc điều tra cho thấy, chúng vẫn thường được lén lút đem bán lại cho các cơ sở, xưởng sản xuất chế biến thực phẩm độc hại hoặc bán cho tiểu thương chiên xào tiếp, như món hành phi là một thí dụ điển hình. Dầu ăn phế thải được dùng để chiên nhiều đến mức từ vàng sang đen, rồi vón cục. Lúc này, chu kỳ “tận dụng” của nó mới chấm dứt và thường được đổ thẳng xuống cống rãnh, làm thành những mảng đen bám ở đây, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia năng lượng cũng nhìn thấy ưu thế của việc chế biến biodiesel từ dầu phế thải. Trước đây, một trong những trở ngại chính hiện nay của việc sử dụng biodiesel rộng rãi chính là giá thành của nó. Giá thành sản xuất biodiesel vẫn còn cao gấp khoảng hai lần giá thành nhiên liệu diesel. Chính vì thế, nếu biodiesel được sản xuất từ những nguồn nguyên liệu rẻ tiền như dầu ăn phế thải thì đây sẽ là nguồn nhiên liệu được sử dụng rộng rãi trong tương lai.

Biodiesel nói riêng hay nhiên liệu sinh học nói chung, là một loại năng lượng tái tạo, có nguồn gốc từ dầu thực vật hoặc mỡ động vật và các loại dầu mỡ đã qua sử dụng. Biodiesel có thể được sản xuất từ bất kỳ loại dầu thực vật hay mỡ động vật, bao gồm cả những loại đã qua sử dụng. Biodiesel có nhiều ưu điểm như giảm ô nhiễm môi trường, là chất không độc, dễ bị phân hủy sinh học, sử dụng trực tiếp, kéo dài tuổi thọ cho động cơ. Theo đánh giá mức độ phát thải các loại khí từ loại dầu diesel sinh học được so sánh với dầu diesel từ dầu mỏ cho thấy lượng khí CO2 thải ra gần như nhau, khí NO thải ra thấp hơn, đặc biệt khí CO thải ra chỉ bằng một nửa so với dầu diesel từ dầu mỏ. Biodiesel có khả năng cháy tương đương với dầu diesel từ dầu mỏ và không thay đổi hệ thống của máy.

Tuy vậy, việc sản xuất biodiesel sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và khó được nhân rộng, đầu tư thỏa đáng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước mà trước mắt cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và có chính sách ưu đãi về thuế phù hợp để hỗ trợ việc phát triển nghiên cứu và sử dụng biodiesel cũng như tuyên truyền cho người dân hiểu biết rõ về lợi ích của việc cung cấp dầu ăn phế thải cho việc sản xuất biodiesel để nhiệt tình tham gia.

Mặt khác, các cơ quan chức năng thông qua một số chính sách hỗ trợ cũng nên kêu gọi các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn… có số lượng lớn dầu thực vật phế thải cần sẵn sàng cung cấp nguyên liệu với giá cả phải chăng cho các dự án nghiên cứu chế biến biodiesel. Đó cũng là một giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường, sản xuất sạch và an toàn hơn và cũng nhằm chống lại tình trạng chế biến thực phẩm độc hại từ nguồn dầu ăn phế thải

 

 Theopetrotimes