Thứ tư, 06/11/2024 | 10:17 GMT+7

Việt Nam giàu năng lượng biển

31/01/2012

Nước ta có bờ biển dài trên 3.200 km, đứng thứ 32 trong tổng số 156 quốc gia có biển. Do đó nước ta có tiềm năng năng lượng biển rất lớn, đặc biệt phải kể đến hai nguồn năng lượng khả quan nhất đó là gió và sóng.

 Nước ta có bờ biển dài trên 3.200 km, đứng thứ 32 trong tổng số 156 quốc gia có biển. Do đó nước ta có tiềm năng năng lượng biển rất lớn, đặc biệt phải kể đến hai nguồn năng lượng khả quan nhất đó là gió và sóng.

79806ce30_nang_luong_bien.jpg

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tâm Khảo sát, Nghiên cứu, Tư vấn Môi trường biển thuộc Viện Cơ học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là chuyên gia lão luyện về động lực học biển ở nước ta. Ông đã dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn ngắn về tiềm năng năng lượng biển ở Việt Nam.

Nước ta có bờ biển dài trên 3.200 km, đứng thứ 32 trong tổng số 156 quốc gia có biển. Nhưng liệu tiềm năng năng lượng biển của Việt Nam có tương xứng với chiều dài không và hành trình nghiên cứu khai thác nguồn lợi đó đã tiến đến đâu, thưa Tiến sĩ?

Chúng tôi vừa thực hiện xong đề tài cấp nhà nước về nghiên cứu các nguồn năng lượng, chủ yếu là đề xuất các giải pháp trên vùng biển Việt Nam. Đó là đề tài mang mã số KC. 09.19/06-10 “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng biển chủ yếu và đề xuất các giải pháp khai thác”. Như chúng ta đã biết, mặc dù trước đây chúng ta vẫn được coi là một nước có nguồn năng lượng rất lớn như than, dầu. Nhưng đến nay ta đã biết là các nguồn này đã cạn kiệt, chúng ta vừa phải nhập than của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cho nên đề tài của chúng tôi có mục tiêu chính là tìm ra nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo, không gây ô nhiễm không khí rồi đề ra các biện pháp khai thác.


Nói về năng lượng biển thì tất cả các nguồn năng lượng tái tạo như là gió, sóng, thủy triều, dòng chảy và năng lượng nhiệt biển, kể cả năng lượng bức xạ trên biển, đều là đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Nhưng do thời gian và kinh phí có hạn nên chúng tôi tập trung vào các nguồn năng lượng biển chính là năng lượng gió trên biển, năng lượng sóng trên biển và năng lượng bức xạ trên biển.

c35bd91a9_song.jpg

Ở trên biển thì năng lượng gió có tiềm năng rất lớn so với năng lượng gió trên đất liền. Nếu biết khai thác gió trên biển thì chúng ta sẽ có một nguồn năng lượng dồi dào hơn rất nhiều so với trên đất liền.

Chúng ta cũng biết, gió sinh ra sóng. Hai nguồn năng lượng này có sự tương quan với nhau. Vùng nào có nguồn năng lượng gió mạnh thì chắc chắn sóng sẽ mạnh. Tuy nhiên, công nghệ khai thác năng lượng gió và năng lượng sóng khác nhau.

Qua kết quả nghiên cứu chúng tôi thấy có hai nguồn năng lượng khả quan nhất đối với chúng ta. Thứ nhất là năng lượng gió, thứ hai là năng lượng sóng. Năng lượng gió có thế mạnh là đã được nghiên cứu khá lâu đời. Công nghệ của nó phát triển rất mạnh, tuốc bin gió đã có các loại thế hệ ba và công suất tới 20 MW, rất lớn. Trong khi năng lượng sóng mới phát triển nhưng sóng có tiềm năng rất lớn.

Đặc biệt, chúng ta có vùng bờ biển rất dài, cho nên cả hai nguồn năng lượng đấy là hai nguồn năng lượng chính. Mỗi nguồn năng lượng có một thế mạnh nhưng trước mắt theo chúng chúng tôi đánh giá thì có lẽ chúng ta sẽ khai thác nguồn năng lượng gió trước, xong rồi mới đến năng lượng sóng.

Khai thác các nguồn năng lượng truyền thống, chúng ta gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường. Năng lượng tái tạo chẳng phải hoàn toàn không gây ô nhiễm mà là gây ô nhiễm rất ít đối với không khí và biển.

Xin Tiến sĩ cho biết cụ thể hơn ưu thế về năng lượng biển ở từng khu vực của nước ta?

Sau khi nghiên cứu, tiến hành đo đạc hiện trường rồi tính toán, chúng tôi xây dựng bản đồ và chúng tôi phát hiện hai vùng có tiềm năng năng lượng sóng, gió lớn nhất là vùng giữa Vịnh Bắc Bộ, ví dụ đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ. Vùng lớn hơn nữa là ngoài khơi của Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận). Theo tiêu chí đánh giá năng lượng của Tổ chức Khí tượng thế giới, Vịnh Bắc Bộ được coi là vùng có năng lượng gió tốt, còn vùng ven bờ Nam Trung Bộ thì được xếp hạng rất tốt. Tiềm năng sóng cũng tương tự như vậy. Nếu khai thác năng lượng gió biển ở Việt Nam thì chắc chắn phải xây dựng trang trại năng lượng gió ở hai vùng đấy.

68a35b8f5_nang_luong_gio.jpg

 Trang trại khai thác gió

Nhưng nên khai thác ở bờ biển Nam Trung Bộ trước. Bởi vì gió ở trên biển mạnh hơn nhưng muốn làm được một cái chân đế có máy  phát điện bằng sức gió thì việc xây dựng ở dưới biển tốn kém hơn nhiều so với trên đất liền. Cho nên vùng ven bờ Nam Trung Bộ chắc chắn sẽ được khai thác đầu tiên.

Về năng lượng thủy triều thì chúng ta có hai vùng khả quan. Thứ nhất là Quảng Ninh, có thủy triều lên đến 4 mét. Thứ hai là ở Đồng bằng Nam Bộ, thủy triều vào khoảng 3 mét. Nhưng thực ra thủy triều 3 hoặc 4 mét nước thì cũng không tự tạo ra dòng điện để đưa vào lưới điện được mà còn cần những yếu tố khác nữa. Chúng tôi cho rằng ở Việt Nam năng lượng thủy triều nên được khai thác dưới dạng cục bộ, ví dụ những nhà máy năng lượng nhỏ để phục vụ cho từng đảo. Chúng ta chưa thể sớm khai thác năng lượng thủy triều ở quy mô công nghiệp.

Tiến sĩ và các cộng sự đã áp dụng phương pháp gì để nghiên cứu tiềm năng năng lượng biển ở Việt Nam, kết quả đạt được như thế nào?


Về phương pháp thực hiện đề tài thì chúng tôi có nguyên lý nghiên cứu cơ bản, tức chúng tôi đo đạc, thực nghiệm, sau đó tính toán và kết quả cuối cùng là đánh giá tiềm năng thể hiện trong các tập bàn đồ. Ví dụ, tập bản đồ tiềm năng năng lượng gió, năng lượng sóng, năng lượng bức xạ, năng lượng thủy triều trên biển.

Công việc của chúng tôi rất tỉ mỉ. Chẳng hạn, gió biến đổi ở độ cao khác nhau cho nên muốn nghiên cứu được năng lượng gió thì chúng tôi phải đo ở các tầng khác nhau. Kể cả sóng cũng như vậy, chúng tôi phải đi đo sóng trong các mùa khác nhau thì mới có kết quả chính xác. Từ góc độ số liệu đo được chúng tôi đã điều chỉnh các mô hình tính toán và chúng tôi thu thập các chế độ gió trong mạng lưới khí tượng toàn cầu. Từ đấy chúng tôi đã tính toán, xây dựng các tập bản đồ tiềm năng năng lượng gió, tiềm năng năng lượng sóng, năng lượng thủy triều ở trên Biển Đông và đặc biệt là chi tiết ven bờ Việt Nam.

Chúng tôi mới thực hiện được các nghiên cứu cơ bản, đưa ra tập bản đồ tiềm năng, đánh giá các vùng có tiềm năng lớn nhất, còn đến khi khai thác thì chúng ta phải có những nghiên cứu chi tiết hơn. Mặc dầu vậy công việc của chúng tôi rất quan trọng vì những nhà đầu tư khi muốn xây dựng các trạm tạo năng lượng từ gió thì sẽ phải tham khảo các bản đồ của chúng tôi để biết được vùng nào là có tiềm năng nhất.

Về công nghệ khai thác thì chúng ta đang áp dụng công nghệ nước ngoài, thí dụ Đức là nước sản xuất tua bin rất mạnh. Các thiết bị của chúng ta đều nhập từ Đức.

Theo tôi nghĩ thì hiện giờ đã có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu của chúng tôi rồi. Bởi vì năng lượng gió trên biển bao gồm cả bờ biển cho đến trên mặt biển, nhất là hiện giờ ở bờ biển Nam Trung Bộ đã có trang trại khai thác, khai thác năng lượng gió rất lớn và những trang trại ấy nằm trên bờ biển. Cho nên các nhà đầu tư ngay từ bây giờ đã có thể ứng dụng được các tài liệu của chúng tôi. Còn năng lượng sóng biển thì cần một thời gian nữa, khoảng 10 năm, may ra chúng ta mới có thể có được các trang trại khai thác sóng tương tự như trang trại khai thác gió hiện nay.

Tôi cho là việc áp dụng mỗi một công nghệ mới đòi hỏi sự quá độ cũng như nhận thức của các nhà quản lý, nhân dân và các nhà khoa học và các công trình nghiên cứu như của chúng tôi. Thế nên tôi cho rằng sự phát triển của chúng ta cũng phù hợp với lịch sử. Hiện giờ chúng ta có một số trang trại khai thác gió đã được nối mạng và đã đưa nguồn năng lượng đó vào lưới điện quốc gia.

Theo Tamnhin.net