Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:23 GMT+7

Thêm tín hiệu vui cho sản xuất ethanol nhiên liệu

12/09/2011

Cao lương được thu hoạch, sau đó thân được ép lấy nước bằng trục xay giống như ép mía. Nước sau khi ép được lên men để chuyển hóa thành ethanol thô

Sau gần 3 năm thực hiện, đề tài “Tuyển chọn một số giống cao lương ngọt triển vọng để sản xuất ethanol nhiên liệu” (2009-2011) do tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng (Viện Môi trường nông nghiệp thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) làm chủ nhiệm, thực hiện theo “đặt hàng” của Bộ Công Thương đã đạt được một số kết quả rất khả quan.

6c5678c95_nhamayethanoldaitan.jpg

Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, cây cao lương được đánh giá là loại cây dễ trồng, thích ứng rộng, chịu hạn, có thể thâm canh cao. Nguyên liệu được dùng có thể là thân tươi hoặc hạt, do vậy xu hướng sử dụng cao lương trong công nghiệp sản xuất ethanol đang ngày càng phát triển. Năng suất cao lương trên 1 hecta đạt 32 tấn thân lá và 3 tấn hạt sẽ có thể mang lại từ 3.000-4.000 lít ethanol.


Cao lương được thu hoạch, sau đó thân được ép lấy nước bằng trục xay giống như ép mía. Nước sau khi ép được lên men để chuyển hóa thành ethanol thô. Ethanol này sau đó được chưng cất và dehydrat hóa. Tại Mỹ, bã ép còn được sử dụng làm chất đốt sản xuất điện năng bán cho nhà máy nhiệt điện, hoặc bã thải cũng có thể được sử dụng làm phân bón.

Ở Trung Quốc, chỉ với 4,5 kg hạt giống, người nông dân có thể gieo cho 1ha và thu về từ 45-60 tấn thân tươi để sản xuất tới 7.000 lít ethanol. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Bộ KHCN Trung Quốc đã thực hiện chương trình trồng nửa triệu hecta cao lương từ năm 2003-2005 ở khu vực phía Tây phục vụ mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học. Tại Ấn Độ cũng vậy, 1ha cao lương sau 4 tháng thu hoạch được 2 tấn hạt và 35 tấn thân lá tươi, sản xuất được 3.160 lít ethanol.

Ở nước ta, tuỳ theo vùng, cây cao lương được gọi theo một số tên khác nhau như lúa miến, cù làng, mì..., tuy nhiên chỉ mới trồng nhỏ lẻ, chưa được chú trọng phát triển, chủ yếu có ở khu vực miền núi cao như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên hoặc khu vực Tây Nguyên. Cao lương được đồng bào các dân tộc vùng núi dùng làm thức ăn chăn nuôi là chủ yếu. Trước thực trạng đó, đề tài “Tuyển chọn một số giống cao lương ngọt triển vọng để sản xuất ethanol nhiên liệu” đã được triển khai nhằm tìm ra những giống cao lương tốt nhất phục vụ cho việc phát triển nhiên liệu sinh học. Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng cho biết, từ nguồn vật liệu gồm 66 giống cao lương của ngân hàng gen trong nước và 12 giống cao lương nhập nội từ Viện Nghiên cứu cây trồng bán khô hạn (ICRISAT), đề tài đã tuyển chọn được 2 giống triển vọng đặt tên là C4 và C7.

Giống C4 là giống cao lương thuần, cây cao 3,5-4m, đường kính thân 3-3,5cm, hàm lượng đường trong thân 12-16 độ Brix, thời gian sinh trưởng 150 ngày, năng suất đạt 50 tấn/ha, sản lượng cồn có thể đạt 4.000 lít/ha. Giống C7 là giống lai F1, cây cao 2,5-3m, đường kính thân 2-2,5cm, hàm lượng đường trong thân 15-17 độ Brix, thời gian sinh trưởng 120 ngày, năng suất đạt 30-35 tấn/ha, có khả năng chịu hạn.

Hai giống cao lương này đã được trồng thử nghiệm tại một số tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang và Hòa Bình. Kết quả thử nghiệm cho thấy, hai giống cao lương C4 và C7 dễ trồng, ít sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, có hiệu quả kinh tế hơn một số cây khác đang trồng ở địa phương như ngô, và trong tương lai có thể tổ chức phát triển rộng như một cây nguyên liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu.

Theo Kinh tế Việt Nam