Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:27 GMT+7
Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng WtE được áp dụng khá nhiều ở các nước châu Á. Nhiều chuyên gia Việt Nam đã đề nghị Việt Nam nên cân nhắc áp dụng những dạng công nghệ này.
Cây cọ “sinh ra” 12,5 triệu watt điện cho Malaysia
Nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng RDF ở Malaysia - một trong sáu nhà máy
WtE hàng đầu trên thế giới bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2009, có thể xử lý 700
tấn rác thải/ ngày và có khả năng tạo ra 8 MW điện, trong đó 5,5 MW điện xuất
dùng cho mạng lưới điện quốc gia.
Với mô hình xử lý chất thải của nhà máy RDF, nếu kết hợp với việc khí sinh học
được sử dụng trong nồi hơi để tăng công suất thì mạng lưới điện của Malaysia sẽ
có khoảng 150 MW điện một năm.
Từ thành công này, chính phủ Malaysia tiếp tục cho thực hiện dự án xử lý 1.000
tấn rác thải rắn mỗi ngày ở Johar.
Sivaprasad , tác giả người Ấn Độ của mô hình này cho biết: “Được cổ vũ bởi
thành công của nhà máy xử lý chất thải này, chính phủ Malaysia đang tích cực
cân nhắc áp dụng công nghệ này trên diện rộng. Đây là một cách để chính phủ các
nước cần cam kết thực hiện để giảm nhẹ tác động của thay đổi khí hậu”.
Ngoài ra, theo trang web therecycletimes.com, ngành công nghiệp dầu cọ của
Malaysia đang có kế hoạch sử dụng chất thải từ cây cọ để sản xuất năng lượng.
FTJ, Công ty liên doanh về năng lượng sinh học đã công bố kế hoạch xây dựng nhà
máy có thể tạo 12,5 triệu watt điện từ chất thải cọ. Hàng năm, khoảng 20 triệu
tấn chất thải sinh học được thải ra từ ngành công nghiệp sản xuất dầu cọ của
Malaysia.
Chính phủ Thái Lan “bị thúc” tăng cường hỗ trợ các sản phẩm WtE
Được biết đến là quốc gia “siêu tận dụng rác” với 3 mô hình WtE, Thái Lan xử lý
hàng nghìn tấn rác mỗi ngày, tái tạo năng lượng phục vụ đời sống người dân.
Mới đây, theo thông tin từ trang web commodityonline.com, ngành công nghiệp tái
tạo năng lượng của Thái Lan đã thúc giục chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ
các sản phẩm WtE trong bối cảnh giá cả leo thang.
Sombat Teekasap, chủ tịch ngành năng lượng tái chế Thái Lan cho biết: “Rác thải
có thể sử dụng để tạo năng lượng. Hiện tại, Thái Lan đang sử dụng chất thải từ
lợn và thức ăn để sản xuất khí gas sinh học. Hai quá trình xử lý này được tách
ra làm hai, nên hiệu quả sản xuất khí gas này còn thấp. Nếu hai loại chất thải
này có thể trộn lẫn để cùng xử lý thì chi phí sản xuất sẽ rẻ hơn".
Indonesia: Người dân còn cân nhắc mua sản phẩm WtE
Mặc dù mô hình nhà ủ phân Rumah Kompos (Indonesia) xử lý chất thải thành phân
bón nhận được sử ủng hộ của chính quyền địa phương, giải quyết được phần nào vấn
nạn rác thải, nhưng sản phẩm phân bón này chưa thực sự đem lại lợi ích kinh tế.
Một kg phân bón của nhà sản xuất Rumah Kompos bán với giá 27 cent (gần 6.000 đồng).
Dù vậy, người dân không mua sản phẩm phân bón này thường xuyên, hoặc có mua thì
mua rất ít. Các công ty phân phối sản phẩm thì lo ngại về tính bền vững sản xuất,
không tin rằng một lượng phân bón nhất định sẽ được ra lò hàng tháng.
Muhasrem, một bà mẹ Indonesia 55 tuổi cho hay việc xử lý rác thải thành
phân bón đã dạy cho người dân cách tách các chất thải hữu cơ và không phải hữu
cơ. Việc thu gom rác giảm bớt căng thẳng về mùi hôi thối và chuột cống.
Với những người như Yatini – tình nguyện viên tham gia dự án nhà ủ phân Rumah
Kompos, công việc ở nhà máy xử lý rác thải đã đem lại cho anh thu nhập hàng
tháng sau 14 năm không có việc làm thường xuyên. Ngay cả vợ anh cũng tình nguyện
tham gia công việc ở đây.
Theo Khoa học đời sống