Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:39 GMT+7
Không ồn ào như đầu tư bất động sản, không náo nhiệt như đầu
tư tài chính, xu hướng đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế diễn ra âm thầm
nhưng không kém phần hấp dẫn và quyết liệt, báo hiệu một làn sóng đầu tư mới
trong tương lai.
Hàng trăm triệu USD cho ethanol
Giá xăng cứ tăng vù vù khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy ruột như xát muối mỗi lần rút ví “mua thức ăn” nuôi xe. Chính vì vậy, nhiều người đã xếp hàng dài tại cây xăng Thái Thịnh và Hoàng Quốc Việt để mua xăng ethanol với giá rẻ hơn xăng thường. Xăng ethanol đang tiếp cận dần với cuộc sống người dân và một loạt dự án sản xuất loại xăng này hứa hẹn sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu sử dụng nhiên liệu ở Việt Nam.
Cuối tháng 6, Nhà máy sản xuất cồn nhiên liệu sinh học (Bio-ethanol) khu vực phía Bắc do Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu Khí (PVB) xây dựng tại Phú Thọ đã chính thức được triển khai. Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đầu tiên của Việt Nam có công suất 100.000 m3 Ethanol/năm với tổng mức đầu tư lên đến 80 triệu USD và sẽ cho ra sản phẩm vào đầu năm 2011.
Tuy nhiên, đây không phải là dự án ethanol duy nhất đang được triển khai, ngay trong Petro Vietnam, một đơn vị khác cũng đang triển khai một nhà máy tương tự ở miền Trung với vốn đầu tư lên đến 120 triệu USD và một dự án ở miền Nam cũng đang được triển khai xây dựng.
Một loạt các nhà đầu tư khác có truyền thống sản xuất cồn công nghiệp cũng hướng đầu tư vào sản xuất cồn nhiên liệu. Đáng kể nhất là Công ty cổ phần mía đường Biên Hòa đầu tư xây dựng nhà máy công suất 50.000 tấn/năm; Công ty Đồng Xanh đầu tư nhà máy công suất 60.000 lít/ngày; Công ty cổ phần Cồn sinh học Việt Nam đầu tư nhà máy 66.000 m3/năm tại Đắk Lắk. Một nhà đầu tư ngoài ngành khác là BIDV cũng tham gia đầu tư nhà máy công suất 100.000 tấn/năm tại Quảng Nam…
Ông Vũ Thanh Hà – Tổng Giám đốc PVB, lượng cồn Việt Nam được sản xuất chủ yếu từ nguồn nguyên liệu rỉ mía đường. Sản lượng cồn Việt Nam hiện nay còn rất nhỏ. Tuy nhiên, do nhu cầu đang tăng cao thì khả năng chuyển hướng đầu tư vào cồn chất lượng cao để làm nhiên liệu đang được các nhà đầu tư quan tâm. Ông Hà còn cho biết, ngay cuối năm 2009, PVB chính thức cho ra đời các sản phẩm ethanol Việt Nam bằng cách tinh chế lại số lượng cồn các nhà máy sản xuất trong nước.
Sau một năm thử nghiệm sử dụng ethanol với kết quả rất tốt, PVB đang đề nghị cho phép mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm này. Khi việc sử dụng ethanol được mở rộng trong thực tế thì cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này càng hấp dẫn.
Phát triển điện mặt trời
Bộ Công Thương đang xây dựng dự án “Phát triển năng lượng tái tạo” (REDP) vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án này được Chính phủ phê duyệt đưa vào danh mục dự án tài trợ ODA với mục đích cung cấp điện năng chi phí thấp nhất cho lưới điện quốc gia từ nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào nhấn mạnh, việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất pin mặt trời ở Việt Nam sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm, đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Hiện Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất các sản phẩm từ pin mặt trời, tất cả nhu cầu trong nước đều nhập khẩu chủ yếu từ Đức và Nhật, hai cường quốc đi đầu trên thế giới về công nghệ sản xuất và ứng dụng pin mặt trời. Xu hướng chuyển giao công nghệ, gia công và phân công sản xuất đang dịch chuyển dần việc gia công pin mặt trời từ các nước châu Âu, châu Mỹ sang khu vực châu Á. Mục tiêu chung các nước đặt ra là đóng góp từ 5 đến 15% năng lượng sạch vào cơ cấu năng lượng sơ cấp của họ. Từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển năng lượng mặt trời trên toàn thế giới.
Trước mắt, để kích cầu sử dụng năng lượng mặt trời, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty ECC-HCMC đã tổ chức chương trình hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng năng lượng mới với tổng kinh phí 40 tỷ đồng. Bắt đầu từ tháng 5/2008, khách hàng mua 1 bộ máy nước nóng năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng. Chương trình được kéo dài đến năm 2013.
Hướng mới với dầu diesel sinh học
Việc TS. Thái Xuân Du – Trưởng phòng công nghệ tế bào thực vật – Viện Sinh học nhiệt đới công bố thử nghiệm thành công dầu diesel từ hạt dầu mè cho thấy xu hướng “xanh” hóa nguồn năng lượng.
Một trong các hướng quan trọng sản xuất diesel sinh học mà TS. Du quan tâm là chiết xuất từ hạt cây Jathopha curcas; ở VN thường gọi là cây dầu mè, có nơi còn gọi là cây cọc rào (vì chúng thường được dùng để rào dậu).
Loại cây này có nguồn gốc Ấn Độ và đã được nước này nghiên cứu, chiết xuất thành công dầu diesel. Chính phủ Ấn Độ đã đề ra mục tiêu sản xuất 40 triệu tấn dầu diesel từ cây dầu mè.
Tại Việt Nam, ngay từ năm 2004, Cty Secoin đã lập dự án nông – lâm nghiệp kỹ thuật cao; trong đó có đề cập đến phát triển cây nguyên liệu làm diesel sinh học. Tuy nhiên, vấn đề mà Công ty Secoin cũng như TS. Du còn băn khoăn chính là việc nghiên cứu để tìm ra một giải pháp tổng thể cho cây dầu mè nhằm phát huy hết hiệu quả kinh tế. Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. TS. Du khẳng định: “Nếu được các doanh nghiệp đứng ra đầu tư, chúng tôi sẽ cho nhập thêm giống có năng suất cao hơn và tất nhiên khi được đưa vào sản xuất quy mô lớn thì hiệu quả kinh tế cũng sẽ cao hơn”.
Theo vietnamep.com