Thứ tư, 06/11/2024 | 08:26 GMT+7
Các nhà khoa học ở ĐH Minnesota, Mỹ đã tạo ra phương pháp sản
xuất điện từ địa nhiệt hiệu quả và giảm phát thải khí CO2.
Nếu như các phương pháp hiện có chỉ cho phép biến nguồn địa nhiệt thành điện bằng
cách sục nước xuống tầng đá ngầm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, rồi dùng nước
nóng để chạy turbine phát điện thì hệ thống khai thác địa nhiệt bằng khí CO2
(CPG) do các nhà khoa học Martin Saar và sinh viên tốt nghiệp Jimmy Randolph tạo
ra lại không dùng nước mà dùng khí CO2 với vai trò chất dẫn nhiệt.
Theo Randolph, hệ thống CPG có nhiều lợi thế so với các hệ thống khai thác địa
nhiệt khác. CO2 di chuyển qua đá xốp dễ hơn nước, nên có thể lấy nhiệt nhanh và
đều hơn. Vì thế, hệ thống CPG có thể được sử dụng ở những khu vực không thể áp
dụng phương pháp sản xuất điện từ địa nhiệt truyền thống do hạn chế về kỹ thuật
hay kinh tế.
Hệ thống CPG cũng ngăn khí CO2 bay vào không khí bằng cách giữ chúng dưới lòng
đất. Ngoài ra, vì CO2 nguyên chất ít có khả năng hòa tan các vật chất quanh nó
hơn so với nước, nên CPG ít có nguy cơ bị ngừng hoạt động do hệ thống bị tắc.
Công nghệ này cũng có thể được sử dụng song song để tăng sản lượng khai thác
nhiên liệu hóa thạch bằng cách bơm khí CO2 để đẩy dầu và khí lên từ các giếng bể
dầu khí.
Trúc Quỳnh (Theo Physorg)