Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:30 GMT+7
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là giáo sư Christian Wetzel, giáo sư vật lý tại Rensselaer, đã tiến hành khắc axit một đường với kích thước nano trên bề mặt giữa phần đế bằng ngọc bích và lớp Gali nitơ (GaN) của đèn LED nhờ đó đèn có thể phát ra ánh sáng xanh. Nhìn chung, phương pháp mới này giúp tạo ra đèn LED xanh với hiệu suất và khả năng phát sáng tăng gấp nhiều lần.
Phát hiện này là một bước tiến quan trọng đưa giáo sư Wetzel tới gần mục tiêu của ông là
phát triển một loại đèn LED xanh, hiệu suất cao và chi phí thấp.
Giáo sư Wetzel phát biểu: “Việc chế tạo đèn LED xanh đang cho thấy ngày càng nhiều thử thách hơn so với những gì mà giới học thuật cũng như các chuyên gia trong ngành từng nghĩ. Tất cả màn hình máy tính và tivi đều tạo ra hình ảnh sử dụng ánh sáng đỏ, xanh lá cây và xanh da trời. Chúng ta đã có những chiếc đèn LED đỏ và xanh da trời cho hiệu suất cao và ít tốn kém. Khi chúng tôi phát triển loại đèn LED xanh lá cây tương tự, điều đó sẽ mang tới một thế hệ thiết bị mới với năng suất cao hơn, chiếu sáng tốt hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Những phát hiện mới trong nghiên cứu của chúng tôi là một bước tiến quan trọng trong hướng đi đúng đắn này”.
Ngọc bích nằm trong số những nguyên liệu nền được sử dụng rộng rãi và ít tốn kém nhất để sản xuất đèn LED, vì thế phát hiện của giáo sư Wetzel có thể là một tín hiệu quan trọng cho sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp chế tạo đèn LED. Giáo sư cho rằng phương pháp mới này cũng có thể sử dụng để tăng hiệu suất ánh sáng của đèn LED đỏ và xanh da trời.
Kim Anh (theo spacemart.com)