Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:20 GMT+7

Dùng nhiệt từ luyện than để phát điện

21/04/2011

Từ nguồn nhiệt dư thừa trong quá trình luyện than coke, Công ty CP năng lượng Hòa Phát không những không phải mua điện mà còn thu về mỗi tháng gần 8 tỉ đồng tiền bán điện cho công ty thành viên trong cùng tập đoàn. Không chỉ ứng dụng trong nhà máy luyện coke, theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn này đang nghiên cứu để ứng dụng công nghệ tận thu nhiệt phát điện trong nhà máy xi măng.

Từ nguồn nhiệt dư thừa trong quá trình luyện than coke, Công ty CP năng lượng Hòa Phát không những không phải mua điện mà còn thu về mỗi tháng gần 8 tỉ đồng tiền bán điện cho công ty thành viên trong cùng tập đoàn.


Khu liên hợp gang thép Hòa Phát của Tập đoàn Hòa Phát tại Kinh Môn, Hải Dương là một tổ hợp khép kín từ luyện than coke, sản xuất điện đến luyện thép và cả chế biến thép. Nhà máy luyện coke là điểm khởi đầu cho chu trình khép kín đó.


tpo 1.jpg


Ông Đỗ Hồng Ánh, Phó giám đốc Công ty CP Năng lượng Hòa Phát nói: “Chúng tôi luyện coke để bán cho công ty CP thép Hòa Phát - một Công ty thành viên của Tập đoàn ở ngay bên cạnh. Trong quá trình luyện coke sẽ sản sinh ra nguồn nhiệt rất lớn do đó, ngay từ khi thiết kế, công ty đã đầu tư thêm 270 tỉ đồng để xây dựng nhà máy nhiệt điện, thu nguồn nhiệt dư này chạy máy phát điện”.


Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà máy, anh Bùi Văn Hữu, Phó nhà máy luyện coke chỉ vào đường ống chạy ngoằn nghèo hàng trăm mét giải thích: “Muốn luyện than coke phải dùng các loại than cám, than mỡ… phối trộn, đem nung trong môi trường yếm khí. Khi đó nhiệt độ trong lò luyện khoảng 1.200 độ C. Chúng tôi dùng ống thu nhiệt đưa nguồn nhiệt dư này về nồi hơi, từ nồi hơi dẫn ra tuốc bin để chạy máy phát điện. Trung bình công suất máy phát đạt khoảng 15MW, giá thành sản xuất điện cực rẻ, chỉ 450 đ/kWh. Công ty năng lượng Hòa Phát dùng hết 2 MW, bán khoảng 87% còn lại cho Nhà máy thép của Công ty CP thép Hòa Phát, mỗi tháng khoảng 9 triệu kWh với giá bằng 80% giá của EVN, thu về gần 10 tỉ đồng. Lượng điện từ chúng tôi đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu điện của nhà máy thép”.


Nâng gấp đôi công suất


Phát huy hiệu quả từ giai đoạn 1 của dự án, hiện công ty CP năng lượng Hòa Phát đang triển khai dự án giai đoạn 2, theo đó tổng công suất của nhà máy luyện coke tăng gấp đôi, đạt 700.000 tấn/năm, đồng thời lắp đặt thêm nhà máy phát điện thứ hai có công suất 22MW, đưa tổng công suất phát điện lên 37MW, cung cấp mỗi năm khoảng 270 triệu kWh điện. Mức đầu tư cho cả hai giai đoạn là 2.600 tỉ đồng, dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành vào năm 2012.


tpo2.jpg


Ông Đỗ Hồng Ánh khẳng định: Khi giai đoạn 2 của nhà máy luyện coke đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ cung cấp 75% điện cho cả Khu liên hợp gang thép Hòa Phát hiện nay. Ngay cả khi giai đoạn 2 của khu liên hợp hoàn tất với công suất luyện thép lên 1 triệu tấn/năm thì chúng tôi cũng sẽ đảm bảo cung cấp tới 30% lượng điện tiêu thụ cho cả khu liên hợp”.


Không chỉ ứng dụng trong nhà máy luyện coke, theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn này đang nghiên cứu để ứng dụng công nghệ tận thu nhiệt phát điện trong nhà máy xi măng.

 

Khó khăn lớn nhất để áp dụng mô hình này chính là vấn đề tài chính. Một nhà máy điện đi kèm để tận thu nhiệt cũng có vốn đầu tư tối thiểu gần 300 tỉ đồng, nhà máy xi măng, than, thép cũng cần cả ngàn tỉ.  Nếu nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi, chắc chắn mô hình nhà máy điện đi kèm nhà máy thép, xi măng sẽ được ứng dụng rộng rãi. Khi đó, các nhà máy có thể chủ động nguồn điện cho sản xuất và quan trọng hơn là mỗi kW điện họ sản xuất ra sẽ bớt đi số lượng các gia đình phải cắt điện”, ông Đỗ Hồng Ánh, Phó giám đốc Công ty CP Năng lượng Hòa Phát.


Theo TPO