Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:47 GMT+7
Các nhà khoa học Pháp đang nghiên cứu khả năng đưa các nhà máy điện hạt nhân loại nhỏ xuống sâu dưới nước, nhằm cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ cho những nước bị cô lập hoặc các vùng đảo không thể xây dựng được các nhà máy nguyên tử trên bờ.
Theo một kĩ sư hàng đầu, Pháp đã đi tiên phong trong việc phát triển rộng rãi các trạm điện hạt nhân từ những năm 1970 và giờ là nhìn thấy khả năng ứng dụng công nghệ hạt nhân ngầm vào công nghiệp.
Nghiên cứu sẽ xem xét liệu các nhà máy nguyên tử đạt tiêu chuẩn có phù hợp với kích cỡ và hình dáng của tàu ngầm, chi phí lắp đặt có rẻ hơn các nhà máy thông thường, hoạt động vận hành của nhà máy ở dưới biển cũng như việc cung cấp điện cho đất liền qua cáp ngầm có bảo đảm an toàn hay không.
Với sự hỗ trợ của hãng sản xuất lò phản ứng Areva, hãng sản xuất năng lượng hạt nhân EDF và cơ quan nguyên tử Pháp CE, hãng sản xuất tàu ngầm DCNS nằm dưới sự quản lí của nhà nước sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi trong vòng 2 năm, nhằm xác định khả năng gây ô nhiễm và tính an toàn.
Nhà máy đầu tiên tại Pháp mang tên Flexblue, với năng suất 50 tới 250 MW sẽ có thể hoạt động vào cuối năm 2016.
Phát biểu với Reuter, ông Andre Kolmayer, chủ tịch ban kinh doanh hạt nhân dân sự của DCNS nói: “Tôi tin tưởng vào thành công của công trình này. Đã có khoảng 150 tàu ngầm nguyên tử trên toàn thế giới, vì thế, đặt một nhà máy nguyên tử dưới nước không phải là điều không tưởng”.
DCNS dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy hình con nhộng dài 100 m, đường kính 12 – 15m, nặng 12 nghìn tấn và được neo dưới đáy biển ở độ sâu 100m.
Dự án này được triển khai nhằm đánh vào sự quan tâm trở lại của toàn cầu đối với điện nguyên tử trong giai đoạn giá dầu đang tăng cao và những lo lắng về tình trạng xả thải carbon gây biến đổi khí hậu từ các nhà máy sản xuất năng lượng.
Cũng theo ông Kolmayer, “không thể sử dụng công nghệ của nhà máy này cho các mục đích quân sự”. Ông cho biết, các vấn đề về tính an toàn, bảo mật đang được DCNS tập trung nghiên cứu. Độ sâu của nước biển có thể bảo vệ các nhà máy khỏi các vụ tại nạn máy bay, sấm sét hoặc sóng thần, và lớp mạng kim loại có thể bảo vệ chúng bằng cách phóng thành ngư lôi ở tầm xa.
Ông cho biết thêm: “Nhà máy đặt ngầm dưới nước sẽ nằm ngoài tầm với của tất cả mọi người, vì thế, những nhóm khủng bố sẽ cần phải có các phương tiện giống như các phương tiện quân sự”. Trong trường hợp nhà máy bị tấn công, hệ thống bảo mật sẽ làm cho nước tràn đầy khoang lò phản ứng.
Ông Kolmayer nói: “Chúng tôi đang nói tới lò phản ứng quy mô nhỏ. Nước có thể làm dịu mọi thứ một cách tự nhiên. Lò phản ứng, khi ở nhiệt độ cao và bắt đầu nóng chảy sẽ gây ra phóng xạ mạnh, nhưng ở dưới nước thì không thể”. Các nhà máy này sẽ được xây dựng theo cụm – theo kiểu trang trại gió, dài từ 5 đến 15km.
DCNS cho biết họ có thể cung cấp điện cho những khu vực có khoảng 100 nghìn dân hoặc thậm chí tới tận 1 triệu dân thông qua cáp ngầm dưới biển, đồng thời tạo ra một phương tiện sản xuất năng lượng đạt tiêu chuẩn, dễ lắp đặt và rẻ hơn nhiều so với các nhà máy nguyên tử trên đất liền.
Ông Kolmayer nhận định: “Các nhà máy hạt nhân lớn phù hợp với thị trường toàn cầu. Chúng tôi không nhắm tới thị trường này, mà hướng tới các nước mới nổi, nơi mà mạng lưới năng lượng quá nhỏ, không đủ sức kham nổi các nhà máy năng lượng lớn”.
Theo ước tính của ông, thị trường toàn cầu cho Flexblue là khoảng từ 100 đến 300 nơi, phụ thuộc vào giá cả - giao động từ 100 triệu tới 1 tỉ euro. Malta, Cyprus và Ma rốc là những thị trường điển hình mà DCNS sẽ nhắm tới.
Lê My (theo af.reuter.com)