Thứ năm, 09/05/2024 | 03:09 GMT+7

Kêu gọi phát triển năng lượng tái tạo tại Hội nghị Liên hợp quốc

11/04/2011

Trong Hội nghị khung của Liên hợp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan), các nhà hoạt động vì môi trường, viện dẫn thảm họa hạt nhân tại Fukushima , đã kêu gọi các nước phát triển năng lượng tái tạo, nhờ đó thế giới sẽ không phải lựa chọn giữa mối nguy hiểm của năng lượng hạt nhân và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong Hội nghị khung của Liên hợp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan), các nhà hoạt động vì môi trường, viện dẫn thảm họa hạt nhân tại Fukushima , đã kêu gọi các nước phát triển năng lượng tái tạo, nhờ đó thế giới sẽ không phải lựa chọn giữa mối nguy hiểm của năng lượng hạt nhân và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.


Tại hội nghị này, lãnh đạo cấp cao từ các nước và các tổ chức quốc tế đang cố gắng đạt được thỏa thuận về những thời hạn cuối cùng vốn đã bị lỡ so với lô trình và dẫn tới một hội nghị về biến đổi khí hậu nữa tại Durban (Nam Phi) vào cuối năm nay. Trong số đó có thời hạn về việc thành lập một quỹ hỗ trợ các nước đang phát triển để tiếp thu công nghệ năng lượng sạch.


greenpeace-activists-dressed-a-5-300x219.jpg


Trước Hội nghị khung tại Băng Cốc, vị lãnh đạo cấp cao về biến đổi của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng chúng ta cần có những nỗ lực lớn trên phạm vi toàn cầu để giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng hơn 2 độ C trên mức tiền công nghiệp theo thỏa thuận chung đã đạt được giữa 193 quốc gia tại Cancun.


Nhắc tới việc Đảng Cộng hòa ở Mỹ đang gây khó khăn cho những nỗ lực nhằm cắt giảm khí thải của Tổng thống Barack Obama, ông Artur Runge-Metzger, Ủy viên về biến đổi khí hậu của EU phát biểu: “Chúng ta đã hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản ở Cancun và để lại những công việc khó khăn cho Hội nghị Durban. Và hiện nay tình hình chính trị còn phức tạp hơn năm ngoái rất nhiều.”

Một trong những vấn đề được đưa ra tại Băng Cốc là thành lập Quỹ Khí hậu xanh (Green Climate Fund) nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp thu công nghệ năng lượng sạch. Chính phủ các nước đã đồng ý huy động 100 tỷ đô la mỗi năm bắt đầu từ năm 2020, tuy nhiên người ta vẫn đang tiếp tục đàm phán xem chính xác là tiền sẽ được huy động như thế nào.


Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (The World Wide Fund for Nature) cho rằng hội nghị Băng Cốc cần dựa trên những cam kết tại Cancun, từ đó thúc đẩy những cam kết mạnh mẽ hơn nếu chúng ta muốn ngăn ngừa ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.


Tổ chức phi chính phủ Greenpeace cho rằng sau những thảm họa tại Nhật Bản, các nước tham dự Hội nghị Băng Cốc buộc phải đẩy nhanh những thay đổi trong ngành năng lượng và thúc đẩy phát triển công nghệ xanh.


Tổ chức này cho rằng: “Thế giới không cần phải lựa chọn giữa thảm họa biến đổi khí hậu và những thảm họa gây ra bởi năng lượng nguy hiểm như năng lượng hạt nhân. Chúng ta có thể chọn lựa một tương lai an toàn dựa vào năng lượng tái tạo.”


Khi hội nghị bắt đầu, các nhà hoạt động vì môi trường từ châu Á và châu Phi  đã bắt đầu cuộc biểu tình kéo dài 1 tuần bên ngoài trụ sở Liên hợp quốc, mang theo hình ảnh Uncle Sam như là biểu tượng về trách nhiệm của các nước công nghiệp phát triển trong vấn đề biến đổi khí hậu. Họ cho rằng các nước nghèo đã mang một “món nợ biến đổi khí hậu” rất lớn đối với các nước đang phát triển và đây là lúc họ trả nợ bằng khoản  hỗ trợ và chuyển giao công nghệ.


Kim Anh (theo washingtontimes.com)