Thứ tư, 06/11/2024 | 22:30 GMT+7

Chạy xe bằng nước lã và... rác thải

03/04/2011

Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu cung cấp cho hoạt động của các loại động cơ ngày một khan hiếm và tăng giá, gần đây nhất, xăng A92 đã tăng đến 21.300 đồng/lít, một số nhà khoa học VN đã nghiên cứu cách thay thế xăng dầu bằng nước lã, chất thải...

Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu cung cấp cho hoạt động của các loại động cơ ngày một khan hiếm và tăng giá, gần đây nhất, xăng A92 đã tăng đến 21.300 đồng/lít, một số nhà khoa học VN đã nghiên cứu cách thay thế xăng dầu bằng nước lã, chất thải...



Chế dầu từ rác thải



Tại Hải Phòng, có hai cha con đã bước đầu thành công trong ý tưởng biến rác thành dầu, để chạy các động cơ máy. Đó là anh Vũ Đức Hoà, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Hải, Kiến An, Hải Phòng và cha của anh là ông Vũ Hồng Khánh, một kỹ sư từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa.



Họ đã thu gom các loại nhựa phế liệu, như cao su thừa của giày da, hay dầu phế thải của ô tô xe máy,. Sau đó sàng lọc, làm sạch, rồi qua một hệ thống dây chuyền chưng cất ở nhiệt độ cao với nhiều phụ gia khác nhau.



thay xang1.jpg


Máy chế biến sắn thành xăng


Tác giả của phát minh này là ông Khánh cho biết, ý tưởng của ông "lóe lên" trong một lần quan sát đốt cao su, thỉnh thoảng có sợi cao su xịt ra khói và tạo thành tia lửa, nên ông nghĩ gốc của nó là chất cháy hoá lỏng và suy ra xăng, dầu mỡ có thể lấy từ đây.



Dây chuyền của họ có thể xử lý 5 tấn chất thải mỗi ngày và một giờ có thể cho ra 200 lít dầu. Lợi nhuận hàng triệu đồng mỗi ngày.



Chạy xe bằng... nước lã



Ông Khánh cũng chế tạo thành công máy nấu sắn thành “xăng sinh học”. Đó là chiếc máy mà chỉ việc đổ sắn vào đầu này, máy sẽ vận hành, đầu kia cho ra cồn nguyên chất. 



Pha cồn này với xăng sẽ giảm giá thành của nhiên liệu chạy ôtô, xe máy. Khi nước ta đưa xăng sinh học vào thị trường, thì ông Khánh đã chạy ôtô, xe máy bằng loại xăng này từ lâu.



Không chỉ vậy, ông Khánh còn là chủ nhân phát minh máy biến nước thành hydro mà ông nghiên cứu suốt từ năm 2005 đến đầu năm 2010 mới thành công.



thay xang.jpg


Ngô là nguyên liệu tốt chế tạo xăng sinh học


Quy trình hoạt động của máy như sau: Đổ 1 lít nước tinh khiết có trộn phụ gia vào bình chứa nước của máy. Nước và phụ gia dẫn đến bình điện phân. Bình điện phân sẽ giải phóng hydro. Hydro sẽ được dẫn đến bình giảm nhiệt 1 và bình giảm nhiệt 2. Từ đây, hydro sẽ được dẫn về thiết bị sử dụng. Người sử dụng có thể tùy ý tăng giảm nhiệt độ khi hydro cháy.



Dự định của người kỹ sư ham mê sáng chế  này còn là sử dụng hydro làm nhiên liệu chạy ôtô. Ông đã lôi chiếc ôtô của mình ra làm thí nghiệm. Với 1 lít nước lã, chiếc máy đã điều chế ra lượng hydro đủ để cho xe chạy từ Hải Phòng lên Hà Nội.



Trao đổi với nhà báo Phạm Ngọc Dương, báo điện tử VTC News, ông Khánh cho biết, việc sử dụng hydro vào chạy ôtô mới dừng lại ở thử nghiệm, chưa thể thực hiện đại trà được vì sẽ nguy hiểm. Theo lý thuyết, nếu dùng hydro để chạy xe, hydro phải được đốt sạch trong buồng đốt, nếu không bình chứa hydro trong chiếc xe sẽ biến thành một quả bom di động khổng lồ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.



Ông Khánh ví von hydro là “con ngựa bất kham”. Nó có sức mạnh không tưởng tượng nổi, nhưng lại khó nắm bắt. Vị kỹ sư già này sẽ tiếp tục nghiên cứu để sử dụng khí hydro – loại “siêu nhiên liệu” vào ngành công nghiệp nước nhà.



Thay xăng bằng gas, tiết kiệm 40% chi phí



Khi còn làm ở ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã có phát minh xe máy chạy bằng gas, khí hóa lỏng…thay cho xăng.



Khi nguồn xăng dầu thế giới ngày càng cạn kiệt và giá dầu tăng liên tục, phát minh của GS Ga và đồng nghiệp cho phép động cơ có thể sử dụng bất kỳ loại nhiên liệu khí nào “đi qua” bộ phụ kiện chuyển đổi, biến thành nhiên liệu như xăng.



Phát minh này tiết kiệm được 20 - 40% chi phí so với dùng xăng và giảm đến 80% mức độ phát thải ô nhiễm. Hiện nhiều tỉnh thành đang được chuyển giao công nghệ và các nước khác cũng quan tâm đến sáng chế này.



Biến phế liệu thành xăng



Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã thành công trong việc sản xuất xăng sinh học isobutanol trực tiếp từ các nhà máy có phế liệu là xenlulôzơ, sử dụng xúc tác là vi khuẩn. Nhiên liệu này có thể dùng thay xăng trong các ô tô thông dụng với hiệu suất nhiệt tương đương xăng.


 

James Liao, giáo sư Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ Hoá học và Sinh học phân tử Đại học UCLA, giám đốc dự án cho biết: "Khác với etanol, chỉ thay thế được một phần xăng theo một tỷ lệ giới hạn, isobutanol có thể hoà trộn với xăng theo bất cứ tỷ lệ nào. Thậm chí có thể dùng trực tiếp isobutanol trong các động cơ ô tô hiện đang dùng xăng mà không cần cải tiến gì”.



"Đây là một thí dụ hoàn hảo về việc hình thành một ngành công nghệ mới - dựa trên phế liệu của nông nghiệp như rơm rạ, thân và lõi ngô, gỗ vụn và cây cỏ - để sản xuất nhiên liệu sinh học từ những nguyên liệu ít đòi hỏi phân bón và năng lượng để tạo ra” - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Steven Chu đã nói vậy khi đến thăm và chúc mừng  nhóm nghiên cứu.



Theo VTC.vn