Thứ bảy, 02/11/2024 | 06:33 GMT+7
Các doanh nghiệp sản xuất thép, một lĩnh vực tiêu tốn điện
năng rất lớn chỉ cần thực hiện kiểm toán năng lượng và các giải pháp tiết kiệm
năng lượng sẽ giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ 10 - 50%. Chẳng hạn có thể tận
dụng nhiệt thải từ khói lò (nhiệt khói thải ra khỏi lò điện hồ quang, lò luyện,
lò nung…) để gia nhiệt sơ bộ cho thép trước khi vào công đoạn tiếp theo, hay
gia nhiệt cho dầu đưa vào lò.
Cụ thể tận dụng nhiệt khói thải ra khỏi lò hồ quang để gia nhiệt sơ bộ cho thép vụn trước khi cho vào lò hồ quang, nhằm làm giảm thời gian hồ quang, tiết kiệm điện và tăng năng suất lò. Tận dụng nhiệt khói thải của lò luyện để gia nhiệt cho thép thỏi trước khi vào lò nung nhằm tiết kiệm dầu cho lò nung. Tận dụng nhiệt khói thải của lò nung để gia nhiệt cho dầu thay cho các điện trở sấy nhằm giảm tiêu thụ điện. Những giải pháp tận dụng nhiệt thải này có thể giúp giảm 15 - 20% điện năng tiêu thụ cho lò hồ quang, và 5 - 10% dầu cho các lò nung.
Tùy thuộc vào lưu lượng khói thải, quy mô của nhà máy mới biết công suất cần thiết của bộ thu hồi nhiệt thải. Cụ thể bộ thu hồi nhiệt thải của lò nung có công suất 25 tấn/giờ (để gia nhiệt cho dầu) là khoảng 70 triệu đồng. Các giải pháp này thời gian hoàn vốn trung bình dưới 3 năm.
Một giải pháp khác là sử dụng vòi đốt hiệu suất cao, ứng dụng vòi phun kiểu hoàn liệu cho các buồng đốt (chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng) sẽ giúp giảm được khoảng 10% năng lượng tiêu thụ. Cơ chế của vòi đốt này cho hiệu quả gia nhiệt đạt đến 80%. Thời gian hoàn vốn cho giải pháp này là dưới 2 năm.
Một giải pháp tiếp theo là sử dụng vòi đốt có hoàn nhiệt, bằng
cách kết hợp các vòi đốt có hoàn nhiệt vào thiết bị để gia nhiệt cho các môi
múc thép lỏng sẽ tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ. Hệ thống vòi đốt có tái
nhiệt bao gồm một cặp vòi đốt để thay nhau làm việc trong một khoảng thời gian
nhất định, đồng thời làm nhiệm vụ dẫn khói thải khi nó không làm việc. Nhiệt của
khí thải có nhiệt độ cao được giữ trong bộ gia nhiệt lắp đặt ngay sau vòi đốt,
và gia nhiệt sơ bộ cho không khí trước khi đốt. Giải pháp này giúp tiết giảm
50% năng lượng tiêu thụ. Chi phí đầu tư tuy có hơi cao khoảng 3,6 tỷ đồng (cho
bộ vòi đốt và hệ thồng điều khiển), nhưng thời gian hoàn vốn cũng chỉ khoảng 3
năm.