Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:31 GMT+7
Các nhà khoa học thuộc đại học tổng hợp Cornell đang có hi vọng dùng một số loại vi khuẩn trong chất thải nhà máy bia để sản xuất xăng sinh học và các sản phẩm hữu ích khác.
Largus T. Angenent, phó giao sư ngành kỹ thuật sinh học và môi trường, tác giả chính cùng trợ lý Jeffrey J. Werner gần đây đã đăng một bài viết về nghiên cứu của mình trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Biên bản của Viện hàn lâm khoa học quốc gia).
Nhờ sự hỗ trợ của các kỹ sư ở nhà máy sản xuất bia Anheuser-Busch InBev, các nhà khoa học đã lấy được mẫu chất thải từ các lò phản ứng của cơ sở sản xuất này trong suốt một năm. Ứng dụng phần mềm nghiên cứu gen hiện đại nhất, họ đã phân tích 400.000 chuỗi gen của các loại vi khuẩn có trong mẫu chất thải.
Trong các chuỗi gen đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một số loại vi khuẩn tên gọi syntrophs có mật độ ổn định một cách đáng ngạc nhiên.
Werner phát biểu: “Cộng đồng vi khuẩn này là một hệ thống rất
năng động, khi một số cá thể chết đi, các cá thể khác sẽ thay thế. Thậm chí khi
bị tác động, chúng sẽ lập tức phục hồi về trạng thái cũ”.
Điển hình bên trong những thùng phản ứng hàng triệu gallon này, quần thể vi khuẩn tương tác với nhau và một trong số chúng sản xuất ra khí metan. Nhờ đó, Anheuser-Busch InBev đã bù đắp được 20% nhiệt lượng sử dụng, tương ứng hàng triệu dolla mỗi năm.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu cách thức để ngăn cản các loại vi khuẩn này sản xuất khí metan để thay vào đó, tạo ra một cộng đồng có thể sản xuất cacboxylat, tiền thân của các loại ankan có trong nhiên liệu.
Các nhà nghiên cứu đang nhận được sự hợp tác của các nhà khoa học tại trường đại học Colorado Boulder và đại học Washington ở St.Louis. Nghiên cứu này được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp, Bộ Năng lượng và Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ.
Hoàng Lan (theo sciencedaily)