Hiện
Việt Nam là nước sử dụng năng lượng thứ 3 ở châu Á, chỉ đứng sau Trung
Quốc và Ấn Độ. Ngành điện của nước ta mỗi năm phải tăng trưởng gấp đôi
so với GDP, trong khi bình quân trên thế giới, để tăng 1% GDP cũng chỉ
tăng 1,2 - 1,5% năng lượng.
Sử
dụng năng lượng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân như trình độ quản
lý chưa tốt; Sự phối hợp giữa các khâu trong quy trình sản xuất chưa
tối ưu; Công nghệ thiết bị chưa đạt hiệu quả năng lượng cao; Doanh
nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả do mới
chỉ quan tâm nhiều đến sản lượng hoặc tâm lý sợ thay đổi hệ thống máy
móc hiện hành… Nếu như doanh nghiệp có quan tâm thì cũng khó triển khai
các dự án TKNL, nguyên nhân chính là do thiếu kinh nghiệm về triển khai
các dự án TKNL, thiếu sự kiên nhẫn trong triển khai loại dự án cần
nhiều thời gian, nhiều vốn mới mang lại hiệu quả này.
Trước
những khó khăn và rào cản đó, các công ty dịch vụ năng lượng đã ra đời.
Mục đích chính của loại hình công ty này là thực hiện một phần trong
chuỗi dự án TKNL như kiểm toán năng lượng, đào tạo… Một số công ty khác
thì thực hiện quản lý và phối hợp tất cả các giai đoạn của một dự án
liên quan tới năng lượng như: kiểm toán năng lượng; Tư vấn, thiết kế,
bố trí mặt bằng nhà xưởng, thiết bị máy móc để tối ưu việc sử dụng hiệu
quả năng lượng; Đào tạo về quản lý, vận hành, bảo trì… Loại hình này
được gọi tắt là ESCO.
Ông
Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Để
thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống thị trường TKNL với sự tham
gia rộng rãi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà sản xuất
dưới nhiều góc độ (đào tạo, tư vấn, tài chính, công nghệ, luật, môi
trường), việc hình thành các công ty dịch vụ năng lượng là một giải
pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trung Quốc hiện có 600 công ty
kiểu này, liên kết ba nhà: tài chính - tư vấn, công nghệ và kinh doanh,
theo hình thức bỏ tiền đầu tư giải pháp TKNL trước cho doanh nghiệp và
nhận lại tiền từ kết quả TKNL đạt được”.
Hoạt động phổ biến và làm nên sự khác biệt của ESCO so với các tổ chức khác là do ESCO cung cấp các Hợp đồng hiệu suất năng lượng-Energy Performance Contracts (gọi tắt là EPC).
Hợp đồng EPC là một dạng đầu tư chia sẻ TKNL do ESCO cung cấp cho khách
hàng. ESCO sẽ ứng vốn đầu tư trước cho nhà máy toàn bộ chi phí dự án và
sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận dựa trên việc chia sẻ khoản TKNL của công
ty do dự án mang lại trong thời gian nhất định và số tiền nhất định do
hai bên thỏa thuận trước. Toàn bộ số tiền TKNL sau thời gian chia sẻ
thỏa thuận trong hợp đồng sẽ thuộc về phía khách hàng.
Một
trong những dự án có sự tham gia hiệu quả của đội ngũ doanh nghiệp này
là Dự án sử dụng năng lượng hiệu quả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ
(PECSME). Đánh giá về đội ngũ này, ông Nguyễn Bá Vinh - Quản đốc Dự án
cho biết: "Dự án đã thu hút được một số các doanh nghiệp dịch vụ TKNL tham gia.
Họ đi đến các địa phương để hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ, chia sẻ
những kiến thức quản lý năng lượng. Cho nên khác với một số dự án là
chỉ dừng lại ở kiểm toán năng lượng, dự án PECSME đã thực sự xây dựng
được một hệ thống quản lý và TKNL bài bản cho các doanh nghiệp. Xây
dựng và đưa đội ngũ này vào hoạt động tôi nghĩ là một thành công của dự
án".
Doanh
nghiệp có nhiều thành công trong các giải pháp dịch vụ TKNL hiện nay là
Công ty Dịch vụ năng lượng Hatech. Nhận định về thị trường Việt Nam,
ông Vũ Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Thị
trường tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả của Việt Nam hiện vô
cùng rộng lớn và tiềm năng TKNL tại các doanh nghiệp còn rất nhiều".
Một
trong những công ty đầu tiên nhận được sự tư vấn của Hatech cho các
giải pháp TKNL là Công ty CP Lương thực thực phẩm COLUSA - MILIKET.
Trước đây, hiện trạng nhà máy là không có hệ thống kiểm soát; Nhiệt độ
nước cấp nồi hơi thấp; Không có hệ thống thu hồi hơi flash; Sử dụng bẫy
hơi công nghệ cũ; Ôxi dư trong khói thải nồi hơi cao gây tổn thất nhiều
năng lượng qua khói lò… Sau khi thực hiện hợp đồng EPC với Công ty
Hatech, Công ty COLUSA – MILIKET đã tiến hành các giải pháp kỹ thuật
như lắp đặt lại hệ thống kiểm soát; Bảo ôn đường ống thu hồi nước
ngưng; Lắp đặt biến tần cho quạt hút và quạt thổi của nồi hơi… Với số
tiền chi phí cho những giải pháp này là 328 triệu đồng, sau 4 tháng, dự
án hoàn thiện. Số tiền tiết kiệm được hàng tháng là 130 triệu đồng. Đặc
biệt, từ đầu dự án, công ty không phải trả chi phí mà chỉ khi dự án kết
thúc, công ty thu hồi được số vốn ban đầu mới phải hoàn trả tiền vốn và
trả tiền dịch vụ cho công ty Hatech.
Với
một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng, Việt Nam hứa hẹn là một
mảnh đất màu mỡ cho các dịch vụ TKNL. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, khi
tiếp thị và giới thiệu chương trình hỗ trợ và chia sẻ giải pháp tiết
kiệm năng lượng, vấn đề đầu tiên doanh nghiệp quan tâm là suất đầu tư
thiết bị tốn kém bao nhiêu rất ít doanh nghiệp quan tâm đến hiệu quả sử
dụng năng lượng khi vận hành máy móc.
Khâu
khó khăn nhất của toàn bộ quy trình thực hiện dự án TKNL chính là tiếp
cận được với doanh nghiệp. “Cứ 10 nhà máy thì chỉ 5 nơi có những giải
pháp khả thi để làm. Trong 5 nơi này chỉ có một chủ nhà máy chấp nhận
thực hiện dự án. Trong 100 doanh nghiệp tiếp cận thì chỉ thực hiện
thành công 10 dự án TKNL. Chưa kể đến việc doanh nghiệp mới chỉ quan
tâm đến công việc kinh doanh và còn e ngại với loại hình dịch vụ mới mẻ
này, đặc biệt là loại hình EPC nên phải mất rất nhiều thời gian để
thuyết phục” - ông Hoàng cho biết.
Bên
cạnh đó, vấn đề vốn của các doanh nghiệp này cũng còn nhiều khó khăn.
Bởi hoàn thành được một dự án TKNL cần một số vốn khá lớn. Tuy nhiên,
cơ chế hiện nay của các ngân hàng vẫn chưa tạo điều kiện cho loại hình
doanh nghiệp này vay tiền. “Thời gian tới, cần thiết phải có cơ chế vốn
cho loại hình doanh nghiệp đặc biệt này” ông Vinh nói.
Dù
còn nhiều khó khăn ở khâu tiếp cận và tư vấn việc TKNL cho doanh nghiệp
vừa và nhỏ, tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá, thị
trường đang dần khởi sắc. Phía Bắc có Hà Nội còn phía Nam có TP HCM và
khu vực miền Tây Nam bộ sẽ là thị trường TKNL có diễn biến sôi động
nhất trong vài năm tới.
Theo Thời báo KTVN