Thứ sáu, 01/11/2024 | 14:29 GMT+7
Với nguồn chất thải nông nghiệp phong phú như trấu, thân, lá
cây… các nhà khoa học đã tìm được lời giải cho việc giải quyết tình trạng khan
hiếm năng lượng, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.
Lò đốt gas trấu, củi từ phế thải - phụ phẩm nông nghiệp
và điện từ biogas là những sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.
Gas từ trấu
Lò đốt gas trấu do Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT)
cải tiến, thiết kế từ loại lò tương tự của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
TS. Chu Văn Thiện, chủ nhiệm đề tài cho biết, sở dĩ gọi là lò đốt gas trấu vì trong
thành phần của trấu khi bị đốt ở nhiệt độ nhất định có tạo khí như CH4, chất
bốc... Những khí này khi đốt cho nhiệt lượng. Kết quả thử nghiệm cho thấy,
ngọn lửa gas trấu cháy tốt, ổn định, gas cháy hoàn toàn, không có khói và bụi.
Mô hình hầm biogas góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống,
xanh- sạch môi trường nông thôn
Từ thực tế ứng dụng lò đốt gas trấu trong sản xuất, để ngọn
lửa gas cháy ổn định, các nhà khoa học đã chế tạo thêm một bộ phận trợ cháy gắn
ngay trên đầu thoát gas và cho gas cháy trong bầu gió trước quạt hút của máy sấy.
Quá trình sử dụng các lò đốt gas trấu đã được sử dụng trong 2 loại lò sấy thông
dụng ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là loại máy sấy tĩnh (máy sấy vỉ
ngang), loại máy sấy tháp (sấy liên tục có đảo ngược).
Theo tính toán, năng suất của loại lò đốt gas bằng trấu là 15 tấn một mẻ với thời
gian 5 giờ sấy liên tục, tiêu thụ khoảng 42 kg trấu. Giá bán một hệ thống lò
như trên khoảng 7 triệu đồng. Rẻ hơn nhiều lần so với lò đốt dầu diezel vì giá
nguyên liệu cho một hệ thống có công suất tương tự gấp hơn 10 lần trong khi đó
giá đầu tư mua thiết bị cũng đắt gấp rưỡi.
Hiện tại, đã có 6 mẫu lò đốt gas trấu đã được thiết kế, cải tiến, hoàn thiện
phù hợp với từng địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải
miền Trung.
Củi cao cấp
Đây là sản phẩm của dự án “Công nghệ định hình sinh khối các phế thải - phụ
phẩm nông nghiệp để sản xuất thanh nhiên liệu có chất lượng cao do Viện năng
lượng (Tổng công ty Điện lực Việt Nam) đã tiến hành thực hiện.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy ép trục vít có bộ gia
nhiệt khuôn ép dùng để ép các phế thải - phụ phẩm nông nghiệp thành nhiên liệu
dạng thanh với nhiệt năng cao, tiện lợi trong vận chuyển.
Máy có các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với máy của Thái Lan và Bănglađét nhưng
giá thành chỉ bằng 1/2 đến 1/3 giá thành của nước ngoài. Hiện nay
máy do Viện Năng lượng chế tạo đang được ứng dụng thử nghiệm ở thị trấn Trôi
(Hà Tây) cho kết quả khả quan.
Sau khi công nghệ được hoàn thiện, ước tính có thể phát triển được gần 10.000
máy ở khắp các vùng trong cả nước. Nó sẽ giúp giải quyết tình trạng khan hiếm
chất đốt ở các vùng nông thôn và thay thế cho gỗ củi, giảm chặt phá rừng. Hiện
nay, giá 1 kg sản phẩm tương đương với giá củi trên thị trường (400 đến 450
đ/kg). Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu để trong tương lai giá thành sản
phẩm chỉ còn khoảng 300 đến 350 đ/kg.
Điện từ rác
Các nhà khoa học thuộc Viện Năng lượng Việt Nam đang triển khai nghiên cứu
ứng dụng khí sinh học để xử lý mọi nguồn chất thải hữu cơ trong cuộc sống. Điển
hình là mô hình hầm biogas góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xanh- sạch
môi trường nông thôn.
Trước đây, nguyên liệu nạp cho hầm khí sinh học chỉ là phân động vật thì hiện
nay, các loại phân nạp cho hầm khí sinh học đa dạng hơn nhiều như cây xanh, các
loại bèo, phế phẩm nông nghiệp, rau quả và các chất thải có hàm lượng hữu
cơ cao...
Các nhà khoa học đã chế tạo và cải tiến các loại thiết bị sử dụng khí sinh học
như đèn mạng thắp sáng, bếp đun gia đình và công nghiệp. Các loại đèn mạng
dùng xăng, dầu, khí hoá lỏng LPG được cải tạo để sử dụng bằng khí sinh học đều
hoạt động tốt. Chỉ cần một hầm khí sinh học có thể tích tối thiểu 10m3 đủ để
cung cấp năng lượng thắp sáng 2 bóng đèn tròn 100W, chạy vô tuyến màu công suất
khoảng 75W và nghe đài trong 5 tiếng. Bên cạnh đó, còn có thể dùng khí
sinh học chạy tủ lạnh, hấp phụ và ấp trứng gà ở quy mô hộ gia đình.
Theo Đất Vệt