Thứ bảy, 23/11/2024 | 12:51 GMT+7
Hải quân Mỹ thử nghiệm chuyến bay đầu tiên cho trực thăng Seahawk MH-60S sử dụng hỗn hợp nhiên liệu thông thường và nhiên liệu sinh học.
Trong các thùng nhiên liệu của Seahawk được thêm vào hỗn hợp nhiên liệu sinh học và nhiên liệu thông thường với tỷ lệ là 50/50. Loại nhiên liệu sinh học này được chiết xuất từ hạt của họ cây Camelina (hay còn gọi là hạt cải dầu).
Theo người đứng đầu chiến dịch năng lượng xanh của Hải quân Mỹ Đô đốc Philip Cullom cho biết “Lợi thế của nhiên liệu sinh học chiết xuất từ hạt cải dầu là cần ít nước và đạm để phát triển, có thể trồng các ở các vùng đất khô cằn trên quy mô thương mại với chi phí phải chăng”.
Cũng vào cuối tháng 4/2010, Hải quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công nhiên liệu sinh học hỗn hợp cho máy bay tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet. Máy bay đã đạt tốc độ Mach-1.2 (1.380km/h), chuyến bay kéo dài trong 45 phút.
Ngoài ra máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III cũng đã có các chuyến bay thành công với nhiên liệu sinh học. Cũng trong năm 2010, Hải quân Mỹ cũng đã cho ra đời thế hệ tàu cao tốc sử dụng nhiên liệu sinh học.
Theo dự kiến sau khi hoàn thành các thử nghiệm, đến năm 2012 quân đội Mỹ sẽ sử dụng 50% lượng nhiên liệu sinh học cho các loại phương tiện chiến đấu của mình. Các loại nhiên liệu sinh học chiết xuất từ thịt bò và chất béo, nhiên liệu sinh học chiết xuất từ than cũng đang được thử nghiệm. Không quân Mỹ đang thực hiện chương trình để chuyển đổi cho tất cả các máy bay của mình sang sử dụng nhiên liệu sinh học.
Sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ cho phép không quân Mỹ tiết kiệm được ngân sách đáng kể so với trước đây dành để mua dầu diesel, đảm bảo được các chỉ tiêu về an toàn đối với môi trường theo hiệp định cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo kế hoạch, đến năm 2016, tất cả các máy bay trong biên chế của không quân Mỹ sẽ sử dụng nhiên liệu sinh học thay cho nhiên liệu từ dầu lửa như hiện nay.
Phát triển nhiên liệu sinh đang là xu hướng của thế kỷ 21, các phương tiện quân sự cũng không phải là một ngoại lệ. Thậm chí, máy bay, tàu chiến... gây ra những tác động không nhỏ đối với môi trường. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc chuyển đổi các phương tiện quân sự sang sử dụng nhiên liệu sinh học là sự lựa chọn tối ưu cho một hành tinh xanh.
Hiện Mỹ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực phát triển nhiên liệu sinh học cho các phương tiện quân sự. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nhiên liệu sinh học sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ, đặt ra thách thức với nhiều quốc gia.
Quốc Việt (theo Lenta)