Thứ bảy, 23/11/2024 | 15:29 GMT+7
Trong khi việc khai thác những nguồn năng lượng từ mặt đất (nhiệt điện, thủy điện, điện nguyên tử) đang đụng tới những giới hạn của chúng, các nhà khoa học đang hướng lên trời để tìm kiếm nguồn điện mới, bền vững hơn.
Điện không gian bao gồm những tấm thu năng lượng mặt trời đặt ngoài không gian, và rồi truyền tải dưới dạng vi sóng xuống căn cứ mặt đất. Nơi đây chuyển sóng thành điện để dùng như nguồn năng khổng lồ, vĩnh cửu và rất sạch sẽ. Cuộc chạy đua nghiên cứu phương pháp khai thác điện không gian đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng nay Nhật Bản đã khởi động đầu tư với một dự án triển khai cụ thể.
Ý niệm về điện không gian được khoa học gia người Mỹ Peter Glaser đưa ra năm 1968 và được nhiều viện khoa học nghiên cứu cẩn trọng từng bước theo sau đánh giá khả năng cạn kiệt tài nguyên dầu mỏ. Năng lượng mặt trời thu được bên ngoài không gian đạt tới mức 1.360 W/m2, do ở đó không có ngày đêm, không bị mây mù che khuất, và các máy móc thiết bị cũng không nóng lên như dưới mặt đất.
Theo sau kết quả thành công truyền tải luồng điện không dây của mình, Viện khoa học không gian và du hành vũ trụ Nhật Bản (ISAS) bắt đầu chế tạo mô hình trạm điện không gian đầu tiên, ký hiệu SPS 2000, với công suất thực nghiệm 10 megawatt, đặt vào quỹ đạo cách xa mặt đất 36.000 km. Con số đo đạc từ trạm này sẽ là tiền đề thiết kế cho nhà máy điện không gian đầu tiên của nhân loại.
Toàn bộ chi phí của dự án là 21 tỷ đô la Mỹ do Mitsubishi Electric và tập đoàn đa quốc gia IHI bỏ vốn thực hiện, nhằm đạt công suất 1 gigawatt sau 30 năm, đủ dùng cho gần 300.000 gia đình với diện tích tấm mặt trời đặt trong không gian lên đến 4 cây số vuông. Năng lượng được truyền xuống một căn cứ mặt đất nằm ở giữa biển, nơi đó nước biển được đun sôi tạo ra hơi nước chạy máy phát điện.
Xuân Phương