Thứ bảy, 02/11/2024 | 07:29 GMT+7

Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh năng lượng tái tạo

15/02/2017

Trong khuôn khổ hợp tác dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, Dự án chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) được triển khai từ tháng 01/2013 và sẽ kết thúc vào tháng 6/2017.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Dự án, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Anton Beck - Giám đốc Chương trình Hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch về Dự án này.

 

Ông Anton Beck - Giám đốc Chương trình Hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch

PV: Xin ông cho biết đôi nét về những hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo thời gian qua?

Ông AntonBeck: Từ năm 2013, Đan Mạch đã hợp tác rất tốt với Bộ Công Thương và Bộ Xây Dựng Việt Nam trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường. Và tại sao chúng tôi lại thực hiện dự án này ở Việt Nam? Bởi Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ rất tốt đẹp. Do đó, khi quyết định thực hiện một dự án mới về năng lượng (Dự án LCEE - PV), Đan Mạch đã lựa chọn hợp tác với Việt Nam, cụ thể là với Bộ Công Thương và Bộ Xây Dựng. Chúng tôi rất vui mừng vì Dự án đã thu được những kết quả quan trọng trong suốt 3 năm qua. Dự án đã hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển cơ sợ hạ tầng năng lượng xanh. Chúng tôi nhận thấy rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có tiềm tăng cắt giảm được 25.000 tấn khí thải mỗi năm. Đó cũng là lý do vì sao mà Đan Mạch lựa chọn hợp tác với Việt Nam bởi, Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng và giảm thí phát thải nhà kính rất lớn.

Thực ra, đất nước chúng tôi cũng đã trải qua những gì các bạn đang phải đối mặt từ rất nhiều năm trước. Năm 1970, Đan Mạch bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu, do đó, quốc hội Đan Mạch đã quyết định phải đầu tư phát triển năng lượng sạch. Và ngay từ năm 1976, Đan Mạch đã thực hiện tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Nếu như năm 1970, Đan Mạch chủ yếu sử dụng dầu, than đá, khí gas tự nhiên thì đến nay, 42% lượng điện năng mà chúng tôi tiêu thụ được sản xuất từ năng lượng gió. Và 3 năm nữa, con số này sẽ lên đến 70%. Với kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực này, chúng tôi tin rằng mình sẽ hỗ trợ được cho các bạn Việt Nam phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo trong những năm tới như chúng tôi.

PV: Qua một thời gian triển khai, ông đánh giá thế nào về tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam và để phát triển năng lượng tái tạo, theo ông Việt Nam nên tập trung vào nguồn năng lượng nào?

Ông AntonBeck: Qua quá trình khảo sát, chúng tôi đánh giá, đất nước các bạn có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung chủ yếu trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường có công nghệ trung bình thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng. Đó là lý do vì sao mà dự án hợp tác giữa Đan Mạch và Việt Nam tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để phát triển năng lượng tái tạo, theo tôi, Việt Nam nên tập trung vào năng lượng gió. Như tôi đã nói, Đan Mạch hiện đang tiêu thụ 42% lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng gió. Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, mà điển hình là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cũng giống như Đan Mạch. Có thể đất nước chúng tôi có nguồn năng lượng gió dồi dào hơn, cả gió gần bờ và gió ngoài khơi. Nhưng tôi tin rằng cả 2 nguồn năng lượng này đều rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

PV: Trong quá trình thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo ở Việt Nam, ông đã gặp những khó khăn gì? Và ông có đề nghị gì đối với chính phủ Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn này?

Theo tôi, Việt Nam có mục tiêu rất lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả mục tiêu trung hạn và dài hạn. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hạn để đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu này và chính phủ Việt Nam cần đưa ra những chính sách thích hợp. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Công Thương để giới thiệu những chiến lược dài hạn về tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo thành công mà chúng tôi đã từng giới thiệu ở Trung Quốc và Indonesia. Từ kinh nghiệm của Đan Mạch, Việt Nam có thể quyết định sẽ đưa ra chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn như thế nào để phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Đan Mạch đã đặt ra mục tiêu là hoàn toàn độc lập với năng lượng hóa thạch vào năm 2015, và sau đó, chúng tôi đưa ra chiến lược dài hạn để đạt được mục tiêu này. Do đó, tôi đề nghị, Việt Nam và Đan Mạch phải cùng nhau hợp tác để đảm bảo rằng mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra sẽ thực hiện được.

PV: Ông có thể cho biết định hướng hợp tác giữa Đan Mạch với Việt Nam trong thời gian tới là gì?

Hiện chúng tôi đang bàn bạc, trao đổi để có thể tiếp tục hợp tác với Việt Nam, với Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng trong vòng 3 năm tới, từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2020. Chúng tôi sẽ thực hiện một dự án mới, và một trong những trọng tâm của dự án này là năng lượng tái tạo. Tham gia vào Thỏa thuận chung Paris, chúng tôi có trách nhiệm giúp đỡ các quốc gia đang phát triển có mong muốn chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Chúng tôi đang cố gắng liên hệ với các tổ chức tài chính quốc tế như Green Climate Fund và hi vọng họ có thể cùng tham gia vào dự án hợp tác giữa Đan Mạch và Việt Nam về tiết kiệm năng lượng. Sẽ thật tốt nếu như các dự án này nhận được hỗ trợ tài chính từ nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Công thương