Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:26 GMT+7
Các DNVVN tại Việt Nam chiếm đến 40% tổng mức năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực công nghiệp. Tiềm năng TKNL lớn, song các chính sách địa phương thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ cho các DN gạch, gốm và chế biến thực phẩm chưa thực sự hiệu quả.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Nghiên cứu của Dự án LCEE chỉ ra rằng, tiềm năng TKNL tại các DNVVN sản xuất gốm sứ và gạch ở mức từ 30-70%. Trong khi đó, tại các DN chế biến thủy sản, mức tiềm năng này từ 10-60%.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn, song các chính sách địa phương thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ cho các DN gạch, gốm và chế biến thực phẩm chưa thực sự hiệu quả.
Một nghiên cứu trong khuôn khổ dự án LCEE chỉ ra rằng, mặc dù Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là khung pháp lý cao nhất trong lĩnh vực này, song tại nhiều địa phương, tài liệu hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện Luật này trong ngành công nghiệp và DNVVN vẫn còn khá hạn chế. Ngoại trừ một số địa phương đã xây dựng thành công các chính sách mục tiêu như Bình Dương, Hà Nội, Đồng Tháp, Tp. Hồ Chí Minh và Quảng Nam.
Tăng cường công tác quản lý
Phải thừa nhận một thực tế rằng, không phải cơ quan quản lý địa phương nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện để xây dựng chính sách địa phương và thực hiện tốt chức năng quản lý sử dụng năng lượng TK&HQ.
Tại các tỉnh, Sở Công Thương được biết đến là đơn vị thường xuyên triển khai các hoạt động sử dụng năng lương TK&HQ trên địa bàn. Tuy nhiên, vai trò và nhiệm vụ quản lý sử dụng năng lượng TK&HQ của Sở Công Thương, đặc biệt là của Phòng Quản lý năng lượng chưa được xác định và quy định trong văn bản. Thậm chí, vai trò của Phòng Quản lý năng lượng còn chưa được phân định rõ ràng với vai trò của các Trung tâm tâm Tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, sự cộng tác giữa các đơn vị quản lý trên địa bàn như Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải…chưa thực sự chặt chẽ. Dẫn đến việc chưa có các biện pháp theo dõi, khống chế các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay, chỉ có Sở Công Thương bắt buộc các DN phải có báo cáo kiểm toán năng lượng. Tuy nhiên, chính Sở Công Thương cũng không thẩm định được chất lượng của báo cáo này, dẫn đến việc không kiểm soát hoạt động TKNL của các DN. Tương tự, không có sự giám sát của Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải”.
Ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, các địa phương cần nâng cao năng lực tham mưu, tư vấn cho các Sở, ban ngành và các đơn vị tư vấn, nhằm thúc đẩy chương trình Tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh thành.
Cần cơ chế khuyến khích mạnh mẽ và hấp dẫn hơn
Nghiên cứu của Dự án LCEE cũng cho thấy, nhiều quy định về sử dụng năng lượng hiệu quả hiện chỉ được biết đến và áp dụng tại các DN sử dụng năng lượng trọng điểm. Bởi vậy, cần có một cơ chế khuyến khích mạnh mẽ và hấp dẫn hơn nữa cho các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả tại các DNVVN.
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị về việc xây dựng các chính sách chung trong lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ bao gồm: Xây dựng và ban hành mục tiêu và kế hoạch quản lý sử dụng năng lượng TK&HQ với quy định chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phối hợp hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Quản lý năng lượng và đơn vị dịch vụ công của Sở Công Thương; xây dựng và bổ sung các hoạt động sử dụng năng lượng TK&HQ cho riêng các DNVVN; xây dựng và ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ.
Ngoài những chính sách chung, các chính sách khuyến khích và áp dụng tự nguyện cũng được đề xuất bao gồm: xây dựng, công bố và đưa vào vận hành cơ chế áp dụng tự nguyện sử dụng năng lượng TK&HQ cho DNVVN; xây dựng và công bố danh sách các đơn vị sản xuất công nghiệp đầu tư TKNL.
Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) tập trung hỗ trợ các DNVVN trong 3 lĩnh vực: gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm. Dự án được triển khai tại 10 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh. |
Thanh Xuân