Thứ tư, 15/01/2025 | 18:12 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng ở DN sản xuất thép : Giảm chi phí, tăng hiệu quả

06/12/2010

Theo số liệu thống kê, VN hiện có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng hằng năm tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngành điện đã phải đầu tư khoảng 35.500 tỷ đồng cho nguồn, trạm, đường dây dẫn điện.

Theo số liệu thống kê, VN hiện có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng hằng năm tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngành điện đã phải đầu tư khoảng 35.500 tỷ đồng cho nguồn, trạm, đường dây dẫn điện.


Với một số nước tiên tiến như Nhật Bản, điện năng tiêu thụ cho 1 tấn phôi thép thành phẩm chỉ khoảng 350-400 kWh trong khi đó VN phải cần đến 700 kWh. Nếu không có biện pháp cụ thể giảm chi phí sản xuất mà trước tiên là giảm chi phí năng lượng ngành thép VN khó có thể cạnh tranh trên thị trường.



Giảm chi phí


Hai năm trở lại đây dưới sức ép giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cùng với tình trạng chung của khủng hoảng kinh tế, ngành thép VN không tránh khỏi nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, để tăng sức cạnh tranh các DN cũng đã quan tâm giảm chi phí sản xuất, trong đó có các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng.


giamchiphi15a1.jpg

Ông Phan Mạnh Hùng - Phó Giám đốc nhà máy gang thép Thái nguyên cho biết: “Nhà máy gang thép Thái nguyên đã giảm tối đa việc tiêu hao điện năng bằng cách hạn chế giờ máy ngừng và thời gian chạy không tải. Nhà máy cũng đã thay toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng trong sản xuất từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn compact nhằm tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, nhà máy đã giao khoán định mức về tiêu hao nguyên, nhiên liệu cho các đơn vị sản xuất trực thuộc nhằm kiểm soát mức tiêu thụ”.


Tại nhà máy thép Pomina, mô hình luyện thép theo công nghệ Consteel và cán thép Siemens-vai đã được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009. Với công nghệ này, chi phí điện năng giảm 30%, giúp chi phí sản xuất giảm hơn 10 USD/tấn. Cùng với đó, quá trình sản xuất thép phôi nóng được nạp trực tiếp từ nhà máy luyện, giảm 30% chi phí gia nhiệt trong quá trình cán thép thành phẩm.


Từ năm 2009, Cty liên doanh sản xuất thép Việt - Australia đã thực hiện thay lò nung thép công nghệ Đài Loan với mục đích nâng cao năng suất và giảm tiêu hao năng lượng, nâng cấp phần thu hồi nhiệt, sử dụng máy biến tần, dùng bóng đèn tiết kiệm điện, không cán sản phẩm trong giờ cao điểm để hạn chế tối đa chi phí điện năng. Với những giải pháp đó mức tiêu hao năng lượng đã giảm 20% so với trước đây.



Cùng với sự nỗ lực chủ động của DN trong đầu tư các thiết bị công nghệ để tiết kiệm năng lượng, từ năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ VN thực hiện chương trình “Hỗ trợ các DN trọng điểm thuộc ngành công nghiệp luyện kim địa phương thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.


Qua 2 năm triển khai nhiệm vụ đã có 7 DN sản xuất thép được chọn để kiểm toán năng lượng, tư vấn và hỗ trợ thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Với các giải pháp nêu ra, đến nay nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả đáng kể sử dụng năng lượng. Chẳng hạn, sau khi áp dụng các giải pháp, chỉ tính riêng 4 nhà máy sản xuất sắt thép trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tiết kiệm được mỗi năm 133 nghìn kWh điện, 112 tấn than và 81 tấn củi. Bên cạnh việc tiết kiệm năng lượng, các giải pháp này còn góp phần giảm 115 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường.



Cần mạnh dạn đầu tư


Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay trên cả nước nhiều nhà máy gang thép đã quan tâm và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ngoài những giải pháp đơn giản như: cải tạo hệ thống chiếu sáng, thành lập nhóm quản lý, theo dõi sử dụng năng lượng DN, vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến cần vốn lớn nên nhiều DN còn ngần ngại và chưa sẵn sàng đầu tư.


Đó là chưa kể đến những giải pháp công nghệ hiện đại hơn như thay đổi công nghệ nung truyền thống sang công nghệ luyện consteel như nhiều quốc gia đã áp dụng, mức đầu tư còn cao hơn rất nhiều.


Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Hùng - Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, việc áp dụng những công nghệ tiên tiến cho các nhà máy thép tại VN bị hạn chế một phần do các lò gang đều có công suất nhỏ hơn 300 tấn. Ông Hùng phân tích, công nghệ luyện consteel cho hiệu quả sử dụng điện năng lớn nhưng cần mức đầu tư khá cao, từ 300 triệu USD cho một lò luyện thép công suất 500.000 tấn/ năm. Công nghệ này hiện vẫn vượt ngoài khả năng tài chính của phần lớn các DN sản xuất thép VN. Theo các chuyên gia, các DN nên cố gắng đầu tư công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng là việc làm cấp thiết.



Theo DDDN