Thứ tư, 15/01/2025 | 18:05 GMT+7
Ngành giấy Việt
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ sản xuất giấy và bột giấy của các DN vừa và nhỏ vốn ở mức trung bình và lạc hậu, máy móc, thiết bị sản xuất thường không đồng bộ nên phần lớn các DN đều sử dụng những thiết bị có mức tiêu hao năng lượng lớn.
Điều này không những gây lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của DN.
Việc tiết kiệm năng lượng trong bất cứ ngành sản xuất nào cũng giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Tuy nhiên, việc ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các DN giấy còn có nhiều lợi ích quan trọng khác như mức đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh, đơn giản, dễ thực hiện.
Bên cạnh dó, những giải pháp này còn giúp cho việc sản xuất được ổn định. Theo đánh giá của ông Nguyễn Bá Vinh – Quản đốc dự án sử dụng năng lượng hiệu quả trong các DN vừa và nhỏ (PECSME): "Doanh nghiệp có thể tiết kiệm được từ 10-20% chi phí năng lượng cho sản xuất chỉ với việc áp dụng một số giải pháp đơn giản".
Cụ thể, để tiết kiệm nước cho quá trình sản xuất, doanh nghiệp giấy có thể thu hồi và tái sử dụng nước trong quá trình sản xuất giấy như: nước trắng dưới máy xeo, nước ngưng từ lò hơi, nước thải từ bộ phận ép, hút chân không… Bên cạnh đó, để tránh lãng phí, rò rỉ nước, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên kiểm tra hệ thống đường ống dẫn nước…
Một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng trong sản xuất giấy chính là lò hơi và hệ thống hơi. Theo đó, để tiết kiệm năng lượng tại bộ phận này cần phân bổ hơi hợp lý giữa các lô giấy nhằm tận dụng được nhiệt dư thừa từ lô sấy nhiệt độ cao cho lô sấy nhiệt độ thấp. Bên cạnh đó, cũng cần bọc bảo ôn đường ống hơi để tránh thất thoát nhiệt. Để làm nóng nước cấp cho lò hơi và tăng hiệu quả ép giấy, nguồn nhiệt có thể được tận dụng sau khi sấy các lô giấy. Ngoài ra, cũng có thể tận dụng nhiệt khói thải lò hơi để gia nhiệt sơ bộ cho các lưu chất khác như nước cấp, dầu FO đốt lò để làm giảm năng lượng cho quá trình sản xuất.
Riêng đối với động cơ, để tiết kiệm năng lượng cho bộ phận này, động cơ được sử dụng phải là loại có công suất phù hợp cho từng loại thiết bị trên dây chuyền sản xuất giấy. Cần tránh sử dụng những thiết bị điện không cần thiết trong giờ cao điểm về điện. Với những động cơ hoạt động trong tình trạng non tải cần được lắp inverter để giảm tối đa điện năng tiêu thụ cho động cơ mà vẫn duy trì được các thông số kỹ thuật theo yêu cầu bắt buộc của quy trình. Đặc biệt, cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng cho động cơ, máy nghiền để tăng tuổi thọ động cơ và giảm tiêu hao năng lượng cho động cơ.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản nhất là tiết kiệm
chiếu sáng, doanh nghiệp cần tận dụng ánh sáng tự nhiên trong sản xuất và sinh
hoạt. Bên cạnh đó, cũng nên sử dụng những bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng cao
như compact, huỳnh quang, đồng thời bố trí bóng đèn và công tắc hợp lý để đảm
bảo nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng.
Hiện nhiều DN giấy sử dụng dầu làm nhiên liệu đốt chính, điều này đã khiến cho các DN giấy bị đội chi phí sản xuất. Vì vậy, nghiên cứu để chuyển đổi nguyên liệu sử dụng từ dầu sang than, nhũ tương dầu, nước chính là một cách để tiết kiệm chi phí cho nhiên liệu.
Xét về vốn đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thực tế cho thấy mức vốn đầu tư cho các DN giấy là không quá cao. Cụ thể, Công ty Giấy Thiên Trí – Hóc Môn – TP.HCM đã đầu tư gần 150 triệu đồng cho các giải pháp như quản lý năng lượng điện, nhiệt theo từng khu vực; Cải thiện máy điều hòa nhiệt độ; Lắp bộ tiết kiệm điện Powerboss cho máy nghiền thủy lực; Lắp biến tần cho hệ thống bơm chân không. Sau 1 năm, công ty đã tiết kiệm được 41,24 tấn dầu quy đổi (TOE), gần 110 triệu đồng và giảm phát thải hơn 180 tấn CO2. Với thời gian thu hồi vốn cho tất cả các giải pháp trung bình vào khoảng 1 năm, các DN giấy sẽ được nhiều hơn khi trang bị các giải pháp TKNL trong sản xuất.
Theo VEN