Thứ sáu, 01/11/2024 | 16:29 GMT+7
Quốc hội thảo luận chiều 24/11
Về tên gọi của Luật, đa số đại biểu cho rằng tên gọi "Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung dự thảo Luật.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng là hợp lý. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị bổ sung một số điều về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; về trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng hợp lý, hài hòa nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo.
Ða số ý kiến đại biểu tán thành các chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu tại Ðiều 4 và một số điều trong dự thảo Luật; và đề nghị bổ sung một số quy định về chủ trương, chính sách vĩ mô của Nhà nước như: xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Về quản lý đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, một số đại biểu cho rằng, một bất cập hiện nay nhiều cơ quan không sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do phương tiện, thiết bị còn cũ kỹ, lạc hậu; do đó không chỉ vận động, thuyết phục việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả một cách chung chung mà Nhà nước cần có các biện pháp khuyến khích và chính sách hỗ trợ phù hợp để các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân dùng các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả. Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công bố áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng là một nhiệm vụ quan trọng và trách nhiệm không chỉ của Bộ Khoa học và Công nghệ, mà còn của một số bộ, ngành khác..
(Văn phòng TKNL tổng hợp)