Thứ bảy, 21/12/2024 | 23:16 GMT+7

Nhà máy đường NASU triển khai nhiều dự án tiết kiệm năng lượng

28/08/2023

Việc thực hiện đồng bộ các gải pháp tiết kiệm năng lượng đã giúp nhà máy đường NASU giảm năng lượng tiêu thụ từ 1.780 GJ/ tấn mía (năm 2017) xuống còn 1.726 GJ/ tấn mía (năm 2021).

Công ty TNHH Mía Đường Nghệ An (NASU) tiền thân là Công ty LD Mía Đường Nghệ An Tate & Lyle, thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1996, có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, với công suất ép 9000 tấn mía/ngày. Hàng năm, NASU sản xuất ra trên dưới 100,000 tấn đường đạt tiêu chuẩn TCVN và Quốc tế. Sản phẩm của Nasu được đánh giá cao bởi các công ty thực phẩm và nước giải khát hàng đầu như Pepsi, URC, TH, Dutch Lady, Kinh Đo, Royal Food…
Mục tiêu phát triển trong tương lai của NASU là Công ty hàng đầu Việt Nam sản xuất và cung cấp sản phẩm đường mía cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm có những sản phẩm chất lượng tốt nhất Việt Nam. Đảm bảo lợi ích cho người trồng mía, đối tác kinh doanh và người lao động.
Từ nhiều năm nay, NASU đã sản xuất điện từ bã mía để sử dụng và bán cho Nhà nước.
Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, Nhà máy đường NASU nhận thức được việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để giảm chi phí giá thành cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, từ nhiều năm nay, NASU đã sử dụng công nghệ đồng phát điện từ bã mía và tích hợp vào quy trình sản xuất.
Dây chuyền sản xuất điện từ bã mía 
Nếu như trước đây với lượng bã mía thừa, Công ty phải thuê nhà thầu giải phóng xử lý thì từ năm 1998 Công ty đã bắt đầu chuyển bã mía thành điện năng để sử dụng cho các hoạt động trong nhà máy. Đến năm 2015, Công ty đã xây dựng được dự án đồng phát điện và đến tháng 2 năm 2016 đã chính thức bán điện lên lưới điện quốc gia, thu về số tiền 61,5 tỷ đồng.
Từ khi sử dụng bã mía để sản xuất điện, nguồn điện sản xuất trung bình là  30.7KWh/tấn mía. Vụ ép mía năm 2020 – 2021, công ty sản xuất được hơn 15 triệu KWh điện, bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 5 triệu kWh, tăng doanh thu từ 10 – 12 tỷ đồng/vụ ép.
Ông Ngô Văn Tú, Tổng Giám đốc NASU, cho biết: "Hiện nay, trong các dự án tiết kiệm năng lượng tại NASU thì chúng tôi đang vận hành một dự án phát điện từ bã mía với công suất là 10 MWh, trong đó tự dùng là 6 MWh và 4 MWh được bán lên điện lưới quốc gia. Trong quá trình sản xuất, lượng điện nhà máy tận dụng được từ bã mía đã đảm bảo hoàn toàn cho nhu cầu điện sản xuất, góp phần tiết kiệm chi phí năng lượng rất là lớn cho công ty và hơn nữa lượng điện phát lên lưới góp phần ổn định cho lưới điện quốc gia tại địa phương."
Ông Ngô Văn Tú, Tổng Giám đốc NASU
Để tiết kiệm năng lượng, nhà máy đường NASU còn nâng cấp hệ thống trang thiết bị đã cũ hoặc tiêu thụ nhiều năng lượng bằng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Điển hình như: Nâng cấp cẩu giàn từ 10 tấn lên 16 tấn với biến tần điều khiển tốc độ động cơ giúp vận hành êm ái và tiết kiệm điện năng; Thay thế hệ thống máy sấy đường quay cũ bằng máy sấy tầng sôi tĩnh; Thay thế máy bơm ly tâm bằng máy bơm bánh răng dịch chuyển tích cực; Thay thế các ống bộ sấy không khí mới tiết kiệm năng lượng; Sửa đổi đường hơi để tận dụng nhiều hơi hơn thay vì hơi thải trực tiếp và tăng hiệu quả; Lắp đặt hệ thống thu hồi đường để tiết kiệm năng lượng phục hồi đường từ hơi, Lắp đặt đèn LED tại khu vực nhà máy, Lắp đặt các bảng điều khiển hệ số công suất để cải thiện hệ số công suất và tiết kiệm điện năng.
Ngoài ra, nhà máy còn lắp đặt thêm nồi nấu C liên tục (là nồi nấu đầu thấp và hoạt động trên hơi thứ để tiết kiệm hơn nữa năng lượng nhiệt) để tăng công suất của nhà máy và giảm thất thoát mật cuối cùng; Lắp đặt bộ gia nhiệt ống để giảm tải thủy lực trên các nồi bốc hơi, lắp đặt thiết bị bay hơi nổi dự phòng để làm sạch và hoán đổi thiết bị bay hơi trên dây chuyền, lắp đặt máy ly tâm theo mẻ để tăng công suất sản xuất & hệ thống gia nhiệt nước mía dùng nước ngưng thứ nhất để gia nhiệt trực tiếp; Lắp đặt quạt thông gió Turbo tự điều khiển trên mái nấu đường để "Thông gió tự nhiên"; Lắp đồng hồ đo năng lượng đo lường và giám sát; Thiết kế băng tải bằng cao su cho hầu hết các băng tải trong nhà máy đã đem lại nhiều lợi ích như: tải được vật liệu nặng, có độ bền cao, giảm tiêu hao năng lượng…
Tủ điện phân phối 
Bên cạnh hoạt động đầu tư cải tiến công nghệ, nhà máy đường NASU cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của tất cả nhân viên về tầm quan trọng của việc bảo tồn năng lượng. Đồng thời đào tạo nhân viên và thúc đẩy các biện pháp đổi mới để tiết kiệm năng lượng và Thường xuyên thực hiện các cuộc đánh giá nội bộ và đánh giá của bên ngoài để xác định các khu vực tiềm năng để tiết kiệm năng lượng.
Việc thực hiện đồng bộ các gải pháp tiết kiệm năng lượng đã giúp nhà máy đường NASU giảm năng lượng tiêu thụ từ 1.780 GJ/ tấn mía (năm 2017) xuống còn 1.726 GJ/ tấn mía (năm 2021).
Chi sẻ về kế hoạch tiết kiệm năng lượng thời gian tới, Tổng Giám đốc NASU cho biết, Công ty đang xúc tiến nhiều dự án và giải pháp tiết kiệm năng lượng mô hình kinh tế tuần hoàn từ đó có phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. "Hiện, Công ty đang nghiên cứu dự án điện mặt trời áp mái và trong tháng 8 năm nay sẽ triển khai dự án mái nhỏ với công suất là khoảng 100 kWh để phục vụ tự dùng và đang xem xét để nghiên cứu các dự án lớn hơn khoảng 4,5 MWp trên diện tích áp mái của công ty khoảng 30.000 m2. Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu dự án điện sinh khối với công suất khoảng 30 MWh. Trên cơ sở sản lượng bã mía có sẵn, Công ty đang xúc tiến dự án điện sinh khối với mức đầu tư khoảng hơn 1000 tỷ đồng." - Ông Tú thông tin.
Anh Thư