Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:18 GMT+7

Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp

28/07/2023

Ngày 27/7, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (thuộc Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Long An tổ chức Hội thảo “Giới thiệu chương trình thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương); các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước thuộc Đoàn Công tác của Chương trình Hợp tác đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025; đại diện Sở Công Thương và các sở, ban, ngành, UBND các địa phương lân cận, cùng nhiều cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh Long An.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại diện Sở Công Thương và các sở, ban, ngành, UBND các địa phương lân cận
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành năng lượng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, có rất nhiều thách thức đặt ra cho phát triển ngành năng lượng của Việt Nam như: tiêu thụ năng lượng có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới; các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước đã cạn kiệt, tiềm năng thương mại của thủy điện cũng đã cơ bản được khai thác sử dụng, nguồn cung năng lượng trong nước không thể cân đối đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, vấn đề đảm bảo cung cấp điện được dự báo sẽ rất căng thẳng khi cung không đáp ứng đủ cầu. Về cân đối dài hạn, nước ta sẽ là quốc gia nhập khẩu ròng về than, khí thiên nhiên và kể cả khí hóa lỏng (LNG) sớm hơn dự kiến. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) là giải pháp hàng đầu để đảm bảo an ninh năng lượng và hạn chế phụ thuộc quá lớn vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, vì đây là giải pháp đầu tư có chi phí hiệu quả nhất.
 
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (thuộc Bộ Công Thương) trao đổi tại Hội nghị
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3). Đây là Chương trình Chính phủ Đan Mạch tài trợ và Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam triển khai thực hiện. Chương trình bao gồm 03 hợp phần, trong đó Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chủ trì quản lý thực hiện Hợp phần 3, tập trung vào lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp tại Việt Nam. 
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để các chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước của Chương trình DEPP3 giới thiệu về thiết kế Chương trình thỏa thuận tự nguyện (viết tắt là VAS) nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ trong lĩnh vực công nghiệp và kế hoạch triển khai thí điểm Chương trình này tại các tỉnh thành của Việt Nam. Đây là một trong các hoạt động trọng tâm thuộc Hợp phần 3.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thông qua Hội thảo, các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp cũng có cơ hội được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp cận các giải pháp tiết kiệm năng lượng qua sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các chuyên gia năng lượng hàng đầu trong nước và quốc tế. Những nội dung trao đổi và những ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ tạo căn cứ để Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế của Chương trình VAS và thực hiện thí điểm thành công Chương trình trong khuôn khổ dự án. Kết quả triển khai Chương trình sẽ tạo cơ sở giúp Bộ Công Thương hoàn thiện và bổ sung thêm cơ chế khuyến khích thúc đẩy hoạt động TKNL trong công nghiệp đóng góp vào các mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3) và các nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ của Chính phủ.  
Chi tiết Hợp phần 3 tại đây.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 98/102 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành, Công ty Điện lực Long An tăng cường các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. 6 tháng năm 2023, toàn tỉnh Long An tiết kiệm trên 79 triệu kwh điện. Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2025 phải tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, 10% đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương - Trần Thanh Toản chia sẻ.
Minh Khuê