Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:17 GMT+7

Công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng hướng tới phát triển bền vững

17/05/2023

Ngày 16/5, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng hướng tới phát triển bền vững” thu hút sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp.

Hội thảo cung cấp nhiều thông tin về chính sách trong sử dụng năng lượng, đổi mới công nghệ và công nghệ mới. Đồng thời, làm cầu nối giữa đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp cung ứng thiết bị, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất hiểu quả công việc , góp phần tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Hội thảo cũng giới thiệu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, các hoạt động của TP Đà Nẵng đang triển khai hỗ trợ năm 2023 trong lĩnh vực năng lượng.
Các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng bên lề hội thảo. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng cho biết: Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của xã hội, việc phát triển phải gắn liền với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, duy trì nền tảng nguồn lực ổn định tránh khai thác quá mức các nguồn lực. Phát triển phải hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm đô thị, khu công nghiệp và quản lý nghiêm túc chất thải rắn nguy hại. Việc phát triển bền vững môi trường cũng đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất hướng doanh nghiệp đến công nghệ sản xuất thân thiện.
Ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ - Phó trưởng Phòng quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP Đà Nẵng - cho rằng, hiện nay cách tính giá điện sinh hoạt và điện sản xuất đang có sự bất cập, biểu giá điện 6 bậc hiện nay của chúng ta đã lỗi thời dẫn đến việc chưa khuyến khích doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ngay cả chính sách ưu đãi giá điện đối với doanh nghiệp nước ngoài (FDI) cũng không còn thu hút. Bởi theo một số đánh giá, hiện nay có nhiều công nghệ FDI so với công nghệ trong nước không cao hơn bao nhiêu. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp làm hồ sơ thiết bị mới nhưng nhập thiết bị về chỉ ở mức tương đối, thậm chí chuyển giao công nghệ lạc hậu về Việt Nam.
“Câu chuyện giá điện phải có sự điều chỉnh để có sự công bằng giữa các thành phần sử dụng điện trong xã hội và khuyến khích đổi mới công nghệ, giải pháp để tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp hướng đến phát triển bền vững” ông Vũ cho biết.
Việc tăng giá điện các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều điện sẽ chịu ảnh hưởng do tăng giá nguyên liệu đầu vào, kéo theo giá hàng hóa đẩy lên làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá cả các nguồn năng lượng khác như xăng, dầu, khí đốt luôn biến động theo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và thế giới. Do đó, để bảo đảm việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong sản xuất, doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ, tối ưu hóa dây chuyển sản xuất, tiết kiệm chi phi sản xuất.
Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ tiết kiệm năng lượng tại hội thảo. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Tham gia hội thảo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn và cả nước đã giới thiệu những công nghệ mới trong tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, đề xuất những kiến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Hoàng Đạo (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đưa ra một số giải pháp tiết kiệm chi phí nhiệt năng trong công nghiệp bằng công nghệ hóa khí Biomass thân thiện, tiết kiệm thu hút sự quan tâm của các đại biểu, doanh nghiệp. 
“Khi doanh nghiệp sử dụng công nghệ này, sẽ tự chủ về công nghệ và tự động hóa hoàn toàn. Công nghệ hóa khí Biomass an toàn, thân thiện với môi trường. Hiện nhiều đối tác, nhất là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đặc biệt quan tâm đến công nghệ này”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn chia sẻ thêm, công nghệ hóa khí Biomass là quá trình chuyển từ nhiên liệu rắn thành nhiêu liệu khí nhằm tăng hiệu quả sử dụng của nhiên liệu. “Đây là công nghệ mà doanh nghiệp khi áp dụng có thể tự chủ về công nghệ, không tốn chi phí đầu tư cho hệ thống cấp hơi; không phải quan tâm đến các vấn đề vận hành, bảo trì bảo dưỡng, giảm phát thải khí nhà kính do không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn buộc phải tiết kiệm tối đa các khoản chi phí, việc sử dụng công nghệ hóa khí Biomass giúp giảm chi phí nhiên liệu đến 60% so với đốt dầu, khí LPG, CNG”, ông Sơn khẳng định.
Từ năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ với nhiều chính ưu đãi. Từ năm 2017 đến 2023 tổng cộng có 63 dự án, doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Hiện nay, Sở KH&CN đang tiến hành rà soát và tham mưu UBND thành phố xem xét chỉnh sửa bổ sung nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên đia bàn.
Hương Linh