Ngay từ cuối năm 2016, Công ty TNHH MTV Điện lực (PC) Đà Nẵng đã tập trung nghiên cứu triển khai hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối trong đó, tập trung vào việc dự đoán và phản ứng một cách tự động với những sự cố trên lưới điện.
Ông Hoàng Đức Quang Sáng, Điều độ viên, PC Đà Nẵng, cho biết: “PC Đà Nẵng đã tập trung nghiên cứu các mô hình trên thế giới, từ đó lựa chọn mô hình thiết thực nhất với lưới điện của PC Đà Nẵng đang quản lý. Từ năm 2018, PC Đà Nẵng đã triển khai các bước đưa vào tự động hóa lưới điện phân phối, bắt đầu từ 2 xuất tuyến của trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn.
Nguyên lý hoạt động của dự án đó là sẽ phản ánh một cách tự động đối với các sự cố trên lưới điện. Khi xảy ra sự cố, hệ thống tự động cô lập vùng sự cố, đảm bảo khu vực của vùng sự cố là nhỏ nhất, sau đó sẽ tự động chuyển tải, khôi phục lại các khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự cố. Nhân viên vận hành tại các Điện lực lúc đó sẽ tìm sự cố trên khu vực rất nhỏ nên sẽ giảm được thời gian thao tác khôi phục sự cố”.
Các điều độ viên PC Đà Nẵng đang theo dõi vận hành hệ thống DAS tại Trung tâm điều khiển.
Khi PC Đà Nẵng đã thí nghiệm thành công dự án tự động hóa lưới điện phân phối tại 2 xuất tuyến tại 471 và 172 Ngủ Hành Sơn 220kV đã cấp điện các phụ tải trên tuyến đường du lịch nối liền thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; trong đó, có các phụ tải quan trọng như: Bệnh viện Phụ sản – Nhi, Bệnh viện quận Ngũ Hành Sơn, UBND quận Ngũ Hành Sơn, FPT Complex, các resort lớn ven biển…
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Trong nhiều năm qua thành phố Đà Nẵng đã tập trung đầu tư điện, lưới điện, trong đó Công ty Điện lực Đà Nẵng đã góp phần đưa các nghiên cứu hệ thống quản lý lưới điện, khi đưa vào hoạt động đã giải quyết nhanh chóng khi bị sự cố, đáp ứng đảm bảo kịp thời cung cấp phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội cũng như đời sống người dân trên địa bàn Ngũ Hành Sơn”.
Đến nay, dự án tiếp tục được mở rộng tại toàn bộ khu vực quận Ngũ Hành Sơn và trung tâm thành phố Đà Nẵng với 39 xuất tuyến được đưa vào vận hành, tiến đến cơ bản hoàn thiện hệ thống trên lưới điện thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 2022. Ở chế độ hoàn toàn tự động, hệ thống góp phần nâng cao chất lượng điện năng, vận hành tối ưu lưới điện; các điều độ viên không phải can thiệp vào chuỗi vận hành, nâng cao năng suất lao động. Anh Lê Minh Châu, Công nhân Điện lực Sơn Trà, PC Đà Nẵng, cho biết: “Khi có sự cố xảy ra thì hệ thống sẽ cô lập, khoanh vùng những điểm bị sự cố, đóng lại những điểm vùng không bị sự cố. Cho nên, chúng tôi dành thời gian đó để đi đến điểm sự cố xử lý nhanh chóng khôi phục điện lại cho khách hàng”.
Ngoài hiệu quả quản lý vận hành lưới điện, tính cộng đồng của hệ thống được khẳng định và minh chứng khi góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện – một trong những tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cơ sở hạ tầng của thành phố, đầu tư sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội với chủ trương “đẩy mạnh thu hút đầu tư” của thành phố Đà Nẵng những năm gần đây. Ông Lưu Diễn Hiệp, Công ty Chin Huei, cho biết: “Công ty Điện lực Đà Nẵng luôn luôn có tổ kiểm tra và đội xử lý rất nhanh chóng; ngoài việc đi kiểm tra, khắc phục sự cố nhanh, đã đảm bảo lưới điện để ổn định sản xuất, tránh ảnh hưởng gián đoạn công đoạn trong sản xuất đối với doanh nghiệp”.
Thành công này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ mới vào lưới điện, phát triển lưới điện thông minh thành phố Đà Nẵng khi hệ thống được chạy trên nhiều xuất tuyến. Với mục tiêu và định hướng đã được vạch ra, ngành điện Đà Nẵng sẽ luôn đồng hành cùng thành phố hướng đến việc xây dựng và hoàn thiện lưới điện thông minh, vì một Đà Nẵng thông minh, đáng sống.
Theo: Trang tin điện tử Ngành điện