Thứ bảy, 21/12/2024 | 22:13 GMT+7

Ngành Công Thương hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

10/02/2023

Ngày 9/2, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Chương trình năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V- LEEP) tổ chức Hội thảo phổ biến Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch hành động).

Hội thảo có sự tham gia của hơn một trăm đại diện đến từ các cơ quan/đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các bộ ngành và cơ quan chính phủ có liên quan, các đối tác phát triển quốc tế, Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc, các doanh nghiệp, hiệp hội, và các cơ quan báo chí & truyền thông trong nước. Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương có sự tham gia của các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, và các nhà khoa học.
Hội thảo được Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Hà Nội.
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu cụ thể, đến năm 2025, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 được rà soát, đánh giá tác động và lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; các công trình, cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp và thương mại quốc gia được đánh giá rà soát và xây dựng các biện pháp ứng phó, nâng cao khả năng chống chịu với tác động của thiên tai, mưa bão, lũ lụt, khí hậu cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh của ngành Công Thương. USAID sẽ hợp tác với Bộ Công Thương để thực hiện Kế hoạch hành động thông qua việc hỗ trợ triển khai các dự án năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời huy động đầu tư của khu vực tư nhân vào các công nghệ năng lượng tiên tiến.
"Mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20%" - ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.
Phát biểu tại hội thảo ông Tăng Thế Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.
"Bên cạnh đó, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường" - ông Tăng Thế Hùng nhấn mạnh.
Ông Tăng Thế Hùng khẳng định, hỗ trợ của USAID là hết sức kịp thời và có ý nghĩa quan trọng giúp xác định các hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp. 
Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thời gian qua USAID đã hỗ trợ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nghiên cứu, rà soát kinh nghiệm quốc tế và chính sách quốc biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và đề xuất khung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hỗ trợ của USAID là hết sức kịp thời và có ý nghĩa quan trọng giúp xác định các hành động để giảm thiểu phát thải khí nhà kinh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.
Trong thời gian tới, USAID tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương trong thiết kế và triển khai các kế hoạch chiến lược để đẩy nhanh quá trình sản xuất và truyền tải năng lượng sạch trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong quá trình Việt Nam chuyển dịch cơ cấu năng lượng từ một hệ thống dựa vào than đá sang một hệ thống dựa vào năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững sẽ là đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý và chuyên môn địa phương, các cơ quan doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động và các nhiệm vụ liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương.
Ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương đã chính thức phê duyệt "Kế hoạch biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Trong đó Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khi nhà kinh nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Khánh An