Thứ bảy, 02/11/2024 | 01:31 GMT+7

Đối tác quốc tế cùng Việt Nam nâng cao hiệu quả và chuyển dịch năng lượng bền vững

12/05/2022

Ngày 12/5 tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Buổi họp lần thứ nhất giai đoạn II của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG). Nội dung nhằm thảo luận các chính sách cập nhật, từ đó thống nhất chủ đề trọng tâm, nhiệm vụ của Nhóm chuyên gia chuyên trách và hoạch hoạt động năm 2022.

Tham dự Buổi họp có đại diện các cơ quan liên quan lĩnh vực năng lượng của Bộ Công Thương, các Đối tác phát triển gồm: Liên minh châu Âu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới, Tổ chức phát triển Đức (GIZ), các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh, các Sở Công Thương địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng.
Đây là Buổi họp đầu tiên của VEPG trong giai đoạn II. Buổi họp nhằm thảo luận về những cơ hội và thách thức trong thúc đẩy thực hiện hiệu quả năng lượng ở Việt Nam. Tại buổi họp, các bên tham gia cũng sẽ thảo luận về các chính sách cập nhật, trên cơ sở đó thống nhất chủ đề trọng tâm, thành lập các nhóm chuyên gia đặc trách và thông qua kế hoạt hoạt động của Nhóm công tác kỹ thuật (CTKT) về hiệu quả năng lượng trong năm 2022. 
Nội dung nhóm đối tác thảo luận về những cơ hội và thách thức trong thúc đẩy thực hiện hiệu quả năng lượng ở Việt Nam. Thống nhất kế hoạch hành động năm 2022. 
Mở đầu, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV) - Bộ Công Thương, Chủ trì nhóm CTKT về hiệu quả năng lượng trong VEPG khẳng định vai trò quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và nhấn mạnh:  “Tiết kiệm năng lượng có thể coi là nguồn năng lượng thứ nhất, là giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp hiệu quả vào sự chuyển dịch năng lượng bền vững của đất nước”. 
Tiết kiệm năng lượng là vấn đề đã được đặt vào trọng tâm các quyết sách của Chính phủ liên quan đến năng lượng. TKNL đã được luật hoá trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ông Vũ nhấn mạnh: “Đây là điều kiện thuận lợi để tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi cả nước. Đồng thời cũng tạo hành lang thông thoáng cho các kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế và chương trình liên quan giữa các chính phủ trong nhóm đối tác”. 
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực tiêu thụ hơn 50% cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo ngành, thì tiềm năng còn rất lớn. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp trung bình vào khoảng 25%-30%. Trong đó, ngành ximăng ước tính tiềm năng tới 50%, tiếp đó là các ngành gốm sứ 35%, dệt may 30%, các ngành công nghiệp thép, chế biến thực phẩm, phát điện than còn tiềm năng từ 15%-20%. 
Để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều biện pháp. Điển hình trong đó là các Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, mía đường, giấy, hoá chất, nhựa, chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nhận diện và thực thi dự án, tiếp cận vốn, thực hiện kiểm toán năng lượng…
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV) Bộ Công Thương, khẳng định vai trò quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, việc thực hiện hiệu quả năng lượng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Trong đó có hạn chế về nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời trách nhiệm thực thi cả về phía quản lý (phối hợp hoặc chủ động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương) và phía chịu quản lý (doanh nghiệp) khiến hiệu quả thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả chưa cao. Khó khăn cũng đến từ việc thiếu cơ chế chỗ trợ doanh nghiệp cả về vốn và kỹ thuật. Giá năng lượng chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng và tham gia thị trường dịch vụ năng lượng. Bên cạnh đó cũng còn những bất cập về cơ chế chính sách, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh… dẫn đến việc doanh nghiệp còn lúng túng trong thực hiện và ra quyết định đầu tư hiệu quả năng lượng.
Thông qua các hoạt động của VEPG, đại diện Vụ TKNL&PTBV hy vọng sẽ dần loại bỏ các rào cản, tăng cường hiệu quả thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng bộ các chính sách ưu đãi cần thiết để đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tạo điều kiện thu hút khu vực kinh tế tư nhân tham gia thị trường tiết kiệm năng lượng và góp phần triển khai đồng bộ Chương trình VNEEP3 trên phạm vi toàn quốc. 
Ông Sven Ernedal, Điều phối viên Quốc tế trình bày thông tin tổng quát các dự án năng lượng của các đối tác phát triển và các bên liên quan.
Ông Sven Ernedal, Điều phối viên Quốc tế, thay mặt Ban Thư ký VEPG trình bày thông tin tổng quát các dự án năng lượng của các đối tác phát triển và các bên liên quan. Theo cơ sở đó đề xuất kế hoạch hoạt động tới cuối năm 2022 tập trung vào hai vấn đề trọng tâm.
Về phía Việt Nam, Nhóm CTKT đề xuất chủ đề trọng tâm là hoàn thiện các chính sách và cơ chế thúc đẩy thị trường ESCO và cơ chế tài chính thực hiện hiệu quả năng lượng trong các toà nhà. Đồng thời tập trung thực hiện các mục tiêu của Chương trình VNEEP. Bên cạnh đó thúc đẩy giảm phát thải lĩnh vực công nghiệp và nâng cao năng lực cho các bên. 
Phần công việc của Nhóm Chuyên gia đặc trách từ các Đối tác phát triển, ông Sven Ernedal đề xuất tập trung nghiên cứu, đề xuất phương áp phát triển mô hình ESCO, thúc đẩy mô hinh hiệu quả năng lượng cho toà nhà và định chuẩn về hiệu quả năng lượng. 
Cũng tại buổi họp, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề liên quan đến tiết kiệm năng lượng trong các toà nhà, chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng xanh tại một số địa phương và kinh nghiệm triển khai mô hình ESCO. Ngày tiếp theo của chương trình sẽ là hoạt động tham quan thực tế về thực hiện tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp. 
Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) là một diễn đàn đa phương hỗ trợ đối thoại chính sách và kỹ thuật hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. VEPG là một kênh gắn kết nguồn hỗ trợ bên ngoài với các chiến lược và kế hoạch hành động của Việt Nam về năng lượng và biến đổi khí hậu; đồng thời chia sẻ các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Nhóm VEPG tập trung vào 05 lĩnh vực ưu tiên: Quy hoạch chiến lược ngành điện, Năng lượng Tái tạo, Tích hợp lưới điện và Hạ tầng lưới điện, Hiệu quả Năng lượng và Thị trường Năng lượng. VEPG đưa ra các ý kiến và khuyến nghị về phát triển chính sách và quá trình lập quy hoạch phát triển ngành năng lượng.
Giang Nguyễn