Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:23 GMT+7
Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026.
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và các ngân hàng thương mại tham gia Dự án. Đồng thời Hội thảo cũng có sự góp mặt của đại diện các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp các tỉnh, các Hiệp hội công nghiệp, doanh nghiệp, công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cùng các cơ quan thông tấn, báo chí truyền hình.
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD tương đương 252 tỷ đồng
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng
Mở đầu Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp thiết thực giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế theo hướng bền vững và đảm bảo mục tiêu giảm phát thải theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Trong cơ cấu nền kinh tế, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn nhất, với hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn, lên tới 20% -30%.
Giai đoạn tới, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới và sự tham gia tích cực của các tổ chức tài chính, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và thí điểm cơ chế tài chính mới nhằm tháo gỡ một số khó khăn trong việc tiếp cận vốn thực hiện tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp công nghiệp. Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh “Sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới trong thời gian qua là sự hỗ trợ tích cực trong việc đạt được các mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như là các cam kết của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”.
Từ các khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, dư địa tiết kiệm năng lượng của Việt Nam trong công nghiệp còn khả thi từ 20%-30% - ông Trịnh Quốc Vũ Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
Ông Chu Bá Thi, Chuyên gia Năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết trong nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng với Việt Nam trong việc thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững. Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng thông qua hàng loạt chương trình, dự án đã và đang đưa vào triển khai trong thời gian tới.
Dự án với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, thông qua cung cấp các giải pháp tài chính, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các bên tham gia trong việc nhận định, đánh giá, giám sát các dự án vay cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng, và hỗ trợ hoàn thiện các khung pháp lý nhằm đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp.
Ông Chu Bá Thi tin tưởng sự hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương sẽ đóng góp vào thành công của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, giảm phát thải và phát triển bền vững của Việt Nam.
Sự hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương sẽ đóng góp vào giảm phát thải và phát triển bền vững của Việt Nam - Ông Chu Bá Thi, chuyên gia Năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam có tổng kinh phí là 11,3 triệu USD tương đương 252 tỷ đồng. Dự án gồm hai hợp phần: Hợp phần 1 Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro, có kinh phí 3 triệu USD, và Hợp phần 2 Hỗ trợ kỹ thuật với 8,3 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026.
Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) ông Trần Quang Tiến, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu về vốn để phục hồi kinh tế và ứng phó biến đổi khí hậu, nguồn lực trong nước là tương đối hạn chế. Vì vậy, các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt từ các đối tác lâu năm như Ngân hàng Thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Giải pháp chia sẻ rủi ro trong đầu tư tiết kiệm năng lượng là một giải pháp sáng tạo và mới ở Việt Nam. Ông Tiến khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh và đồng hành cùng các đối tác để hỗ trợ thúc đẩy và xây dựng thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Mô hình chia sẻ rủi ro
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe chia sẻ về mục tiêu, giải pháp của Dự án và đặc biệt quan tâm tới mô hình Quỹ Chia sẻ rủi ro (Risk Sharing Facility - RSF). Quỹ RSF có tổng quy mô 75 triệu USD, được thành lập với mục đích cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay nhằm thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp công nghiệp hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO).
Theo chia sẻ, lợi ích dành cho các doanh nghiệp là mở rộng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi để thực hiện các cải tiến công nghệ tiết kiệm năng lượng. Từ đó doanh nghiệp sẽ cắt giảm được chi phí sản xuất và tiêu thụ năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp công nghiệp và đơn vị ESCO cũng sẽ được đồng hành trong việc hỗ trợ lập hồ sơ vay vốn, nâng cao năng lực nhận diện, đánh giá và giám sát các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Các ngân hàng thương mại được hưởng lợi từ việc phát triển sản phẩm vay tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, tăng cường năng lực kỹ thuật về thẩm định, giám sát các dự án cho vay đầu tư với mục đích hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra, các cơ quan/đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện dự án như đơn vị quản lý nhà nước về tiết kiệm năng lượng ở Trung ương và Địa phương, các trung tâm tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước được tăng cường năng lực về quản lý ngành, xây dựng đồng bộ hệ thống dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, số liệu trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.
Đây là những nỗ lực tổng thể của Dự án nhằm tạo điều kiện cho các bên tham gia đẩy mạnh hoạt động cấp vốn và thực hiện vay vốn đầu tư tiết kiệm năng lượng. Từ đó thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng, góp phần thực hiện các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong lĩnh vực công nghiệp và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bà Ngô Thu Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB chia sẻ “Với vai trò là Đơn vị quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro được Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới tin tưởng lựa chọn, SHB cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các ngân hàng thương mại tham gia trong việc xác định các tiểu dự án hợp lệ. Xây dựng và phát triển danh mục các khoản bảo lãnh tiềm năng, cũng như quản lý khoản vay trong suốt thời gian triển khai Dự án. SHB đồng thời cũng sẽ đồng hành với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phát triển đầu tư công nghệ, thiết bị, giải pháp để tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam”.
Các đại biểu tham gia Hội thảo.
Tại hội thảo, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghiệp và công ty dịch vụ năng lượng đã được các chuyên gia hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu về một số nội dung như: hướng dẫn xác định các định mức tiết kiệm năng lượng, các công nghệ giải pháp TKNL trong ngành công nghiệp, nhận dạng các dự án tiết kiệm năng lượng tiềm năng, tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng và hệ số giảm phát thải,...
Chương trình kéo dài trong hai ngày 5 và 6 tháng 5 năm 2022. Cũng trong khuôn khổ Chương trình, các hội thảo tương tự cũng sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu về Dự án và tập huấn chuyên sâu cho các đơn vị tham gia.
Giang Nguyễn - Phương Loan