Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:34 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong các làng nghề tại Bắc Ninh: Tập trung 3 trọng tâm

16/07/2020

Quy mô sản xuất lớn nhưng lại sử dụng máy móc, thiết bị cũ tiêu hao nhiều năng lượng. Đây là một trong những vấn đề ở nổi cộm ở khu vực làng nghề Bắc Ninh, và đang được Sở Công Thương đặc biệt quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, nhằm tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất.

 

 

Bắc Ninh là một trong số các địa phương có làng nghề phát triển nhanh cả về lượng và chất. Hàng năm, khu vực này tạo ra khoảng 12,2 nghìn tỷ đồng giá trị hàng hóa. Có thể kể tới các làng nghề trăm tỷ như: Làng nghề gia công cơ khí Quảng Bố với hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã; trong đó có nhiều doanh nghiệp có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 - 30 lao động. Hay xã nghề Phù Khê có gần 2.600 hộ sản xuất, kinh doanh gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm cho hơn 4.500 lao động địa phương và hàng nghìn lao động ở các địa phương lân cận; trong đó, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn cho doanh thu 3 - 5 tỷ đồng/ năm…

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng quản lý sản xuất khoa học và tiên tiến

Tuy nhiên, lượng tiêu thụ năng lượng tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhất là trong các làng nghề sản xuất thép, giấy, cơ khí, luyện kim. Kéo mức tiêu thụ năng lượng của Bắc Ninh ngày càng tăng cao, đặc biệt là tiêu thụ điện năng. Tỷ trọng điện công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu, khoảng gần 79%.

Theo đại diện Sở Công Thương, năng lượng là nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng nhưng không phải vô tận, vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng trở thành ý thức tự giác và cần thực hiện ngay ở mỗi gia đình. Tiết kiệm năng lượng cũng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đang được các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Nhận thấy rõ tiềm năng tiết kiệm điện tại các làng nghề, Sở Công Thương đã xây dựng 3 giải pháp trọng tâm để khai thác tiềm năng này.

Trước hết, tỉnh tập trung cải thiện hiệu suất thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng, sử dụng công nghệ mới như sử dụng các phần mềm quản lý điện, áp dụng tiến bộ mới trong sản xuất... Thực tế đã có cơ sở thành công với giải pháp này. Đơn cử như Xí nghiệp giấy Đức Bình (làng nghề Phong Khê) mỗi năm sản xuất trên 25.000 tấn giấy, do áp dụng các biện pháp tiết kiệm tối đa chi phí, sử dụng phần mềm để tự điều chỉnh tốc độ động cơ, sử dụng biến tần... Kết quả, lượng điện đã giảm 22%.

Bên cạnh đó, hỗ trợ thay đổi loại hình sử dụng năng lượng để đạt hiệu suất cao hơn, dễ quản lý hơn, như: Đổi công nghệ nung từ than chuyển sang gas, thay đổi nhiên liệu than củi truyền thống sang các chất đốt sinh khối như củi trấu, củi rơm... vừa cho suất đốt cao hơn vừa giải quyết được vấn đề môi trường.

Ngoài ra, khuyến khích cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề áp dụng các biện pháp quản lý sản xuất khoa học và tiên tiến, cụ thể: Xây dựng chiến lược sử dụng điện tiết kiệm; thực hiện kiểm toán năng lượng, mô hình quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, áp dụng linh hoạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, như: Áp dụng sản xuất vào giờ thấp điểm, tận dụng ánh sáng tự nhiên cho nhà xưởng, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, thường xuyên kiểm tra để nâng cao hiệu suất vận hành của thiết bị...

Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong đó 53 làng sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đây là khu vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao trong quá trình sản xuất.

Theo Báo Công thương