Thứ bảy, 02/11/2024 | 01:34 GMT+7
Tại hội thảo “Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế để giảm chi phí sản phẩm, cải thiện môi trường làng nghề” diễn ra sáng ngày 26/6, ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khẳng định việc sử dụng năng lượng thay thế và tiết kiệm năng lượng (TKNL) đang dần phổ biến tại các làng nghề bởi mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ở tầm vĩ mô, TKNL tại các làng nghề góp phần giảm áp lực cung ứng điện và nhiên liệu, giảm đầu tư nguồn điện mới của quốc gia. Trong phạm vi làng nghề, TKNL giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng năng lượng thay thế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bát Tràng là một trong những làng nghề điển hình “xanh hoá” sản xuất nhờ áp dụng các biện pháp TKNL và sử dụng năng lượng thay thế. Nếu như những năm 1995 trở về trước, Bát Tràng sử dụng lò ếch, lò bát đàn đốt bằng củi, lò bầu đốt bằng than và củi. Với các loại lò trên phải mất từ 144 - 192 giờ/một mẻ nung, lao động nặng nhọc trong môi trường khói bụi nóng bức, công nhân không có trang thiết bị phòng hộ, tạo ra một lượng chất thải rắn lớn, chất lượng hàng hoá chỉ đạt 60-65% loại 1. Tuy nhiên, từ khi áp dụng lò gas vào sản xuất, thời gian nung sản phẩm chỉ từ 15-20 giờ, kiểm soát nhiệt từ xa, dễ dàng với các sản phẩm có kích thước lớn và nhiều mầu men cần môi trường lửa sạch. Đặc biệt, 85-90% sản phẩm ra lò đạt loại 1.
Lò nung gốm bằng gas ở Bát Tràng giảm ô nhiễm môi trường
“Việc sử dụng lò gas trong nung sản phẩm là bước tiến vượt bậc của Bát Tràng khi không chỉ giúp người dân làng nghề dần thoát khỏi ô nhiễm môi trường mà còn giúp người dân nhận thức được vai trò của khoa học công nghệ, mạnh dạn đổi mới thiết bị sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”, ông Hà Văn Lâm, Trưởng Ban đại diện nhân dân làng nghề gốm Bát Tràng cho hay.
Thay đổi nhận thức về vai trò của TKNL đối với sự phát triển xanh, sạch của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp làng nghề nói riêng có sự góp sức không nhỏ của Bộ Công Thương. Những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các văn bản liên quan về TKNL, quy định mức tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị sản phẩm…
Đặc biệt, thông qua một số chương trình vay vốn ODA, Bộ Công Thương đã phối hợp triển khai một số dự án TKNL. Tiêu biểu, dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”. Kết quả sau 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 543 doanh nghiệp thực hiện các hoạt động TKNL. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được đạt 232 nghìn tấn dầu tương đương, tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm 944 nghìn tấn CO2, giảm trung bình 24,3% chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm.
Tương tự, dự án “Chuyển hoá cacbon thấp trong lĩnh vực TKNL tại Việt Nam” hỗ trợ ngành gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm đầu tư vào TKNL. Sau khi 63 dự án thành phần được triển khai, mức phát thải khí nhà kính là hơn 231 nghìn tấn cacbon quy đổi/năm cao hơn so với mục tiêu đề ra, tổng mức TKNL hàng năm đạt 416 nghìn MWh/năm.
Về kết quả tích cực của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp làng nghề trong TKNL, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), khẳng định: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chìa khoá cho sự phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn. “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề thực hiện lộ trình phát triển bền vững thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, ông Tăng Thế Hùng cho hay.
Theo Báo Công Thương