Thứ tư, 15/01/2025 | 11:19 GMT+7

Để tiết kiệm tiền điện, cần thay đổi thói quen

01/07/2020

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh có cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề hóa đơn tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng - một vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh có cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề hóa đơn tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng - một vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn.

Trước tiên, ông có thể chia sẻ hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 của gia đình có gì thay đổi so với tháng trước không?

Ông Hà Đăng Sơn: Tôi có cài App chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội để theo dõi tình hình tiêu thụ điện từng tháng, cũng như so sánh với cùng kỳ năm trước.
Hóa đơn tháng 6/2020, gia đình tôi sử dụng chưa đến 300 kWh, dù trong nhà cũng có khá nhiều thiết bị điện: 2 điều hòa công suất lớn, 1 tủ lạnh, rồi quạt máy, bếp từ… Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 thì tháng này nhà tôi dùng nhiều hơn gần 90 kWh.

Thực ra, khi mua các thiết bị điện mới, tôi đều chú ý lựa chọn những thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có dán nhãn năng lượng 5 sao. Trong quá trình sử dụng, gia đình tôi cũng quản lý rất chặt các phụ tải. Với điều hòa nhiệt độ, dù ngành Điện lực khuyến cáo nên để từ 25 - 26 độ C trở lên, nhưng đa phần tôi để 28 - 29 độ C và bật thêm quạt. Bởi nếu để nhiệt độ thấp quá, chắc chắn điều hòa sẽ tốn điện hơn nhiều. Đó là chưa kể, để nhiệt độ điều hòa thấp, cơ thể rất dễ bị sốc nhiệt khi ra ngoài, nhất là trong những ngày mà nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C như hiện nay.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình trong mùa nắng nóng tăng cao so với các tháng trước đó, dù “số lượng thiết bị điện vẫn thế, nhu cầu sử dụng không thay đổi”?

Ông Hà Đăng Sơn: Tôi cho rằng, câu chuyện hóa đơn tiền điện phụ thuộc rất nhiều vào thói quen, cách thức sử dụng của mỗi gia đình.

Ví dụ, cùng một xe máy nhưng vợ tôi lái sẽ tốn xăng hơn nhiều, bởi các chị em có thói quen hay rồ ga, phanh gấp nên tốn nhiên liệu, còn mình chạy êm hơn…

Gần đây, giảng viên của một trường đại học ở Vương Quốc Anh cũng đã làm một phân tích và chỉ ra rằng, khi nhiệt độ bên ngoài tăng lên, các phụ tải sẽ tiêu tốn nhiều điện hơn. Vấn đề này cũng được chứng minh trong thực tiễn. Khi thời tiết nóng bức, hiệu suất các thiết bị điện bị giảm nên sẽ tiêu tốn điện năng hơn. Đó là chưa kể, trong mùa nắng nóng, khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, chúng ta thường có xu hướng hạ nhiệt độ xuống thấp để nhanh mát, mà ít người biết rằng, nhiệt độ càng thấp, càng tốn điện.

Ngoài ra, nếu không được vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, cửa hút gió của điều hòa bị bịt kín cũng tạo thành các trở kháng làm giảm hiệu suất. Lúc này, khả năng làm mát sẽ kém. Đây cũng là nguyên nhân gây tốn điện.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Định cư của Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tủ đông cũng có thể chiếm tới 40-50% lượng điện tiêu thụ của gia đình nếu không đặt chế độ phù hợp.

Rò rỉ điện cũng là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng cao và đã xảy ra trong thực tế. Nhiều thiết bị đã sử dụng lâu năm, dây dẫn kém nên rò rỉ điện, gây hao phí điện năng mà người sử dụng không hay biết.

Có dư luận cho rằng, ngành Điện cố tình ghi dồn chỉ số để tăng tiền điện ở các bậc thang giá cao. Ông nghĩ thế nào?

Ông Hà Đăng Sơn: Trong quá trình chốt chỉ số, nhập số liệu, có thể nhân viên điện lực đã không cẩn thận, hoặc do lười biếng, không tuân thủ các quy trình, họ đã để xảy ra những sai sót gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, đây là lỗi của cá nhân chứ không phải chủ trương từ EVN. Chính vì vậy, thời gian tới, EVN cần rà soát lại quy trình để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa những sai sót, nhầm lẫn không đáng có. Đồng thời, phải có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tập thể không tuân thủ quy trình, quy định... Bởi sai sót là của cá nhân nhưng sẽ tạo thành những làn sóng bức xúc lên đến những cấp quản lý cao nhất của Tập đoàn, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của EVN.

Vậy ông có lời khuyên nào dành cho các hộ gia đình để giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng?

Ông Hà Đăng Sơn: Đầu tiên, nên hạn chế điều hòa nhiệt độ. Hạn chế ở đây không có nghĩa là không sử dụng, mà nên đặt hẹn giờ, đặt nhiệt độ hợp lý. Nên dùng quạt với điều hòa sao cho hiệu quả làm mát tốt nhất mà vẫn tiết kiệm điện. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị điện (định kỳ 6 tháng đến 1 năm), đặc biệt là các thiết bị đã dùng lâu năm để tránh nguy cơ rò rỉ, thất thoát điện.

Mỗi gia đình cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Có một số gia đình mà tôi biết, có khi họ ra ngoài cả tiếng đồng hồ cũng không tắt đèn, tắt điều hòa. Đó là sự lãng phí.

Đặc biệt, những gia đình có mái nhà, có điều kiện kinh tế nên cân nhắc lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Đây là một giải pháp hữu hiệu đang được Chính phủ khuyến khích. Một tính toán đơn giản, nếu lắp đặt khoảng 3 - 5 kWp, mỗi tháng, điện mặt trời mái nhà có thể tạo khoảng 350 - 500 kWh. Chúng ta có thể lựa chọn, bán toàn bộ cho EVN hoặc vừa sử dụng và bán cho EVN sản lượng điện dư thừa. Trong trường hợp sử dụng cho các phụ tải, gia đình có thể giảm được số điện ở các bậc thang giá cao, qua đó giảm được đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng.

Ngoài ra, trong trường hợp có thắc mắc đến hóa đơn tiền điện, liên quan đến công tơ, chúng ta cần chủ động liên hệ điện lực để được xử lý. Tôi biết một trường hợp khiếu nại về hóa đơn nhưng khi điện lực đến giải quyết và đề nghị đưa công tơ đi kiểm định, gia đình lại ngại sẽ "phiền toái" nên không đồng ý kiểm định, dù trong lòng vẫn ấm ức. Trong khi đó, nếu đi kiểm định, chúng ta sẽ thấy được chất lượng của công tơ, biết được rõ ràng là lỗi của bên điện lực hay lỗi của chính mình để có phương án giải quyết làm thỏa đáng cả hai bên.

Cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên áp dụng biểu giá điện 1 giá. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Hà Đăng Sơn: Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam vẫn phải duy trì biểu giá điện bậc thang, nhằm mục tiêu thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Hiện nay, rất nhiều các nước trên thế giới, không chỉ các nước đang phát triển mà kể cả các nước phát triển cũng đang áp dụng biểu giá điện bậc thang. Đến bây giờ, tôi chỉ biết một quốc gia duy nhất áp dụng 1 giá điện, đó là Singpore. Lý do, quốc gia này hầu như không có phụ tải đỉnh và hơn 90% nguồn điện sử dụng là điện khí; còn lại là chạy dầu trong trường hợp phụ tải tăng đột ngột.

Chính vì vậy, tùy theo đặc thù phụ tải, đặc thù của cơ cấu nguồn, mỗi quốc gia sẽ có biểu giá điện phù hợp. Tuy nhiên, trên cơ sở phản hồi của người dân, chúng ta cũng nên xem xét, điều chỉnh lại để có cơ cấu biểu giá điện bậc thang phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam