Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:22 GMT+7

Bộ Công thương đề xuất giá điện sinh hoạt 5 bậc thang

27/02/2020

Đưa ra 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để lấy ý kiến, trong đó, đề xuất của Bộ Công thương là lựa chọn phương án 5 bậc theo kịch bản 1 vì cho rằng đây là phương án phù hợp nhất.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành.

Cụ thể, Bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.

Với phương án 1 bậc, theo phân tích của Bộ Công Thương, giá điện bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Theo phương này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm 8.000 - 330.000 đồng/hộ/tháng.

Bên cạnh đó, các hộ sử dụng từ 0 - 200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) tiền điện trả tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Đối với phương án 3 bậc, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm: bậc 1 (từ 0 - 100 kWh); bậc 2 từ 101 - 400 kWh; bậc 3 từ 401 kWh trở lên.

Theo đó, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 301 kWh/tháng trở lên (khoảng 3,1 triệu hộ) giảm từ 45.000 đến 62.000 đồng/hộ/tháng. Hộ sử dụng từ 0 - 300 kWh/tháng (khoảng 22,3 triệu hộ), tiền điện phải trả tăng từ 4.000 đến 30.000 đồng/hộ/tháng.

Bộ Công Thương cũng đánh giá, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án biểu giá điện sinh hoạt gồm 4 bậc thang. Theo đó, giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh; bậc 2 từ 101 - 300 kWh; bậc 3 từ 301 - 600 kWh; bậc 4 từ 601 kWh trở lên.

Đối với phương án 4 bậc này, tiền điện của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51-100, 201-300 và 301- 400 kWh/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ) giảm từ 267 đến 32.000 đồng/hộ/tháng.
Hộ sử dụng từ 0 - 50, 101- 200 và từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 15,3 triệu hộ) tiền điện phải trả tăng từ 1.000 đến 105.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Đối với phương án 5 bậc Bộ Công Thương cho biết có 2 kịch bản. Cụ thể, theo kịch bản 1, giá điện sinh hoạt gồm 5 bậc thang: bậc 1 từ 0-100 kWh và giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Đối với kịch bản thứ hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

Từ những phương án trên Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1 bởi Bộ cho rằng kịch bản này là phù hợp nhất khi có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lí, đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.

An Nhiên (Theo Vietnambiz)