Thứ năm, 07/11/2024 | 20:17 GMT+7
Xu hướng tăng giá điện
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 15 năm gần đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh với mức 13% giai đoạn 2006 - 2010 và 11% trong 5 năm gần đây. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%.
Tuy nhiên, các nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng.
Giá điện một số quốc gia trên thế giới năm 2017. Nguồn: World Energy Council 2017.
Theo lộ trình, từ năm 2017, nước ta sẽ phải nhập khẩu than cho phát điện và dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế. Nhu cầu sử dụng điện năng của nước ta hiện nay rất lớn nhưng khả năng đáp ứng trong nước lại hạn chế, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện năng đang tăng mạnh qua các năm dẫn đến giá bán điện thấp hơn giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó, giá điện Việt Nam hiện là 1.720 đồng (0,08 USD) đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Theo thống kê cả Hội đồng Năng lượng thế giới năm 2017, Trung Quốc có giá điện là 0,09 USD, Australia có giá điện 0,22 USD và cao nhất là Đức với 0,33 USD.
Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là đơn vị sử dụng nhiều điện năng, việc tăng giá điện gây lo ngại phát sinh chi phí sản xuất, từ đó tác động tới giá thành sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm năng lượng
Các doanh nghiệp cần tiến hành cải tiến máy móc và công nghệ vận hành. Ảnh: GIZ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để ứng phó với khó khăn trước mắt, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng. Đây là ưu tiên hàng đầu, quyết định trực tiếp đến phát triển bền vững và lâu dài.
Trước tiên, doanh nghiệp cần sử dụng năng lượng hiệu quả cao hơn hoặc chi phí đầu tư thấp đồng thời cải tiến máy móc, đổi mới quy trình vận hành, tăng thời gian sản xuất liên tục, giảm thời gian hoạt động non tải hay ngừng hoạt động không mong muốn, loại bỏ dần máy móc công nghệ lạc hậu.
Ngoài ra, các đơn vị có thể tiết kiệm chi phí dùng điện trong sản xuất bằng cách dịch chuyển một phần những phụ tải không cần thiết từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hay giờ bình thường để giảm giá thành điện năng.
Bên cạnh đó, các công ty cần tăng cường quản lý việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng của công nhân viên, các tổ máy khi vận hành, sản xuất; đưa ra các quy chế và hình thành thói quen tiết kiệm điện. Công tác kiểm toán năng lượng cần đẩy mạnh để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí năng lượng.
Song song với việc tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với sự hỗ trợ từ Chính phủ. Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo nhưng việc đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo vẫn chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có.
Nhà máy điện mặt trời nổi tại Bình Thuận dự kiến đưa vào vận hành năm 2019. Ảnh: Kyocera.
Tháng 4 vừa qua, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành với nhiều ưu đãi về thuế suất và giá thành như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước tại vị trí công trình, đường dây, trạm biến áp đấu nối với lưới điện…
Giải thưởng quốc gia về Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 do Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) từ ngày 20/11/2017 đến cuối tháng 1/2018. Giải thưởng nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các cơ sở công nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Đối tượng tham gia giải thưởng là các doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có mức tiêu thụ năng lượng từ 300 TOE một năm và đã thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011 - 2016. Chi tiết xem tại đây. |
Theo Vnexpress